Môi giới tự do: Tự do đến đâu?

(ĐTCK-online) ĐTCK số 27 có đăng bài viết: "Khoảng trống pháp lý về nghề môi giới tự do". Sau đó, Tòa soạn đã nhận được một số phản hồi xung quanh khái niệm "nghề môi giới tự do". Thực tế hiện nay, các môi giới tự do đang tự do đến đâu?

Một chuyên gia về đào tạo chứng khoán cho rằng, môi giới tự do phải được hiểu theo khái niệm rộng, bao gồm việc giới thiệu khách hàng cho CTCK, tư vấn cho khách hàng và hưởng thù lao theo giá trị giao dịch thành công mỗi thương vụ. Vậy nhưng, họ lại không có trong biên chế trong bất kỳ CTCK nào. Theo vị chuyên gia này, khi soạn thảo Luật Chứng khoán, Ban soạn thảo có tham khảo các TTCK phát triển. Rút kinh nghiệm từ một số nước như Thái Lan, các nhà làm luật đã quyết định không cho tồn tại môi giới tự do, bởi lo ngại họ có thể làm lũng đoạn thị trường.

Ông Phạm Ngọc Thắng, Tổng giám đốc CTCK Trường Sơn cho biết, môi giới tự do trên thế giới không phải ký hợp đồng lao động với CTCK, mà chỉ có hợp đồng về đường truyền. Họ là những chuyên gia thực sự về đầu tư chứng khoán, đứng ra mở văn phòng riêng, được phép quảng cáo để thu hút đầu tư. NĐT nộp và rút tiền tại ngân hàng, mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại thành viên lưu ký, nên cũng không đến làm việc trực tiếp tại CTCK. Ông Thắng cho biết thêm, hoạt động môi giới tại Việt Nam về cơ bản vẫn là tập trung. CTCK ký hợp đồng lao động với các môi giới và buộc phải cam kết tuân thủ những quy định về đạo đức nghề nghiệp hành nghề chứng khoán. NĐT trực tiếp đến giao dịch tại CTCK (trừ mua bán trực tuyến) hoặc phải ủy quyền cho các môi giới.

Đại diện CTCK KimEng nhận xét, công việc chủ yếu của các môi giới tự do trên thế giới vẫn là tư vấn và phát triển khách hàng. Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản là các môi giới chứng khoán trên thế giới phải thực hiện nhiều cam kết, trong đó họ phải ký quỹ một số tài sản nhất định với CTCK. Điều này nhằm đảm bảo uy tín với khách hàng và CTCK. Mặt khác, tùy yêu cầu của NĐT, họ có thể thay mặt thực hiện một số giao dịch, vay mượn, ký quỹ. Môi giới chứng khoán tự do thường là những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm và quan hệ rộng rãi. "Khách hàng nước ngoài sang Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy các môi giới tại Việt Nam trẻ tuổi và đương nhiên kinh nghiệm chưa được nhiều", vị đại diện này nói.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, các môi giới được gọi là tự do hiện nay thường không nhận lương cố định từ CTCK; không bị ràng buộc về thời gian, địa điểm làm việc; được ăn chia tỷ lệ phần trăm trên tổng số phí ròng thu được (sau khi đã trừ các chi phí). Họ thực hiện tư vấn đầu tư, trong một số trường hợp là thực hiện giao dịch, nếu NĐT ủy quyền. So với môi giới tự do ở nhiều nước, họ có một điểm khác căn bản là phải ký hợp đồng với CTCK. Hiện có khoảng 50% CTCK áp dụng mô hình không trả lương cho môi giới, mà trả theo doanh thu phí thu được của mỗi người. Nhiều CTCK đang áp dụng mô hình này với số lượng môi giới đông đảo như HSC (200 nhân viên), Thăng Long (gần 100 nhân viên). Tỷ lệ hoa hồng ăn chia dựa trên thương hiệu, chất lượng đường truyền, công nghệ và dịch vụ đi kèm. Những CTCK kém về thương hiệu thì tỷ lệ phần trăm mà CTCK phải chia cho môi giới sẽ cao hơn.

Hiện tại, pháp luật không có quy định về nghề môi giới tự do. Tuy nhiên, có thể hiểu, các môi giới chứng khoán hiện nay hoạt động khá tự do và CTCK đã lách luật để không đi quá xa với quy định hiện hành về nghề môi giới chứng khoán. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức độ phát triển như hiện nay, hoạt động của các môi giới tự do cần được chính thức hóa bằng những quy định pháp luật chặt chẽ. Về phía khách hàng, khi lựa chọn các môi giới tự do thì cần hiểu rằng, CTCK tuyển dụng và gọi là môi giới, nhưng nếu không có hợp đồng lao động, thì về thực chất, đó là đội ngũ tiếp thị, phát triển kinh doanh. Họ chỉ có thể giới thiệu khách hàng đến mở tài khoản tại công ty, còn tư vấn cho khách hàng mua bán chứng khoán là trái pháp luật và nếu có tranh chấp, khách hàng phải chịu toàn bộ rủi ro.