Gần đây, anh Hải - một môi giới bất động sản tại Hà Nội - túc tắc bán được vài ba căn hộ mỗi tháng, hơn hẳn 2 tháng trước không có một giao dịch nào.
Tuy nhiên, thay vì mức hoa hồng dự kiến được 1%, khoảng 30 triệu đồng mỗi căn, anh chấp nhận cắt gần hết cho người mua. Mỗi căn bán được, anh giữ lại nhiều thì 5 triệu đồng nhưng có lúc chỉ được một triệu đồng do đòi hỏi của khách hàng.
"Với những căn được một, hai triệu đồng trừ chi phí tự chạy marketing, môi giới có khi chỉ còn 500.000 đồng đút túi", Hải chia sẻ và cho biết cách bán hàng đó giới sale gọi là "cắt máu". Tuy nhiên, theo anh nếu không "cắt máu" như thế, khách sẽ mua qua môi giới khác.
"Như vậy bao công tư vấn, chăm sóc lâu nay cũng coi như mất không. Do đó, có thể nói là đôi khi giá nào cũng phải chấp nhận để chốt được khách", Hải cho hay.
Chấp nhận bán mà không có hoa hồng cũng là cách làm của không ít môi giới mới vào nghề hoặc nhiều tháng không đạt chỉ tiêu.
"Tình trạng này xuất phát từ việc môi giới giữa các sàn và thậm chí là trong một sàn cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau.
Có một khách nhưng có đến mấy môi giới săn đón và hứa hẹn bằng cách cắt hoa hồng lại cho họ. Người mua cũng ép môi giới, bên nào cắt nhiều hơn thì họ mua", anh Hải lý giải.
Trong guồng quay đó, dù không muốn, môi giới cũng không thể làm khác.
Xu hướng "cắt máu" ngày một nhiều bởi thanh khoản trên thị trường bất động sản đang đi xuống, đặc biệt ở phân khúc căn hộ cao cấp. Anh Chính, môi giới lâu năm trong nghề cũng vừa phải làm vậy vì mấy tháng nay không đủ chỉ tiêu.
"Không ít chủ đầu tư lớn từ rất lâu rồi họ không triển khai thêm dự án nào mới bởi có những tháng chỉ bán được vài căn. Môi giới càng vì thế mà giành giật nhau.
Nhiều người có tháng không được giao dịch nào", anh Chính nói và cho hay, không ít người đã bỏ sàn hoặc không bán các dự án của chủ đầu tư lớn nữa mà chuyển sang tầm trung hoặc nhỏ.
"Dự án của những chủ đầu tư lớn tuy nhiều khách, dễ giao dịch hơn nhưng mức hoa hồng thực tế rất thấp, áp lực doanh thu đôi khi cũng không nhỏ. Hơn nữa, ở nhiều dự án, khá lâu sau đó hoa hồng mới được thanh toán.
Ngược lại, ở những dự án nhỏ hơn, có nhiều đơn vị trả hoa hồng hậu hĩnh và thậm chí ngay sau khi giao dịch", môi giới này cho biết.
Cũng theo anh, lãnh đạo các sàn còn cấm các môi giới "cắt máu", thậm chí một số nơi còn cho nghỉ việc nếu bị phát hiện.
Tuy nhiên, để có thể đạt chỉ tiêu, đặc biệt là với môi giới mới vào nghề hoặc muốn lên bậc quản lý nhóm thì đây lại là cách thường xuyên được vận dụng.
Lãnh đạo một sàn bất động sản tại Thanh Xuân thừa nhận tình trạng trên trong thị trường địa ốc ngày một nhiều. Bên cạnh lý do cạnh tranh không lành mạnh, vị này cho hay còn một phần do nhiều khách hàng vẫn nghĩ làm môi giới bất động sản thì "ăn dày" lắm.
"Tuy nhiên, thực tế môi giới hiện nay muốn bán được hàng cũng phải tự bỏ khá nhiều chi phí từ chạy quảng cáo, tìm kiếm thông tin khách hàng... Đó là chưa kể, không ít sàn còn quỵt cả tiền hoa hồng của môi giới", ông này nói.
Ông cũng cho rằng, việc cắt hết hoa hồng cho khách của các môi giới không khác gì tự hạ thấp nghề mình đang làm.
Do đó, với tư cách lãnh đạo sàn, ông không cho phép nhân viên làm điều đó. Tuy nhiên, ông thừa nhận trong bối cảnh thanh khoản thấp, mức độ cạnh tranh lớn, có thể đã nảy sinh tình trạng nói trên.
Ngoài ra, cũng theo ông, tình trạng này còn có nguyên do thị trường Việt Nam hiện quá nhiều môi giới nghiệp dư.
"Những người bán bún, bán trứng vịt lộn, hay bán quán nước cũng có thể trở thành môi giới nhà đất nên dẫn tới việc thị trường bị méo mó, cạnh tranh không lành mạnh", ông cho hay.