Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây cho thấy, sau hơn 2 tuần Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, nhiều môi giới bất động sản vẫn thờ ơ với quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
Thậm chí, lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản đang có hơn 20 nhân viên môi giới tại TP. Thủ Đức, TP.HCM còn nói “nửa đùa, nửa thật” rằng, không phải đến bây giờ mới có quy định về chứng chỉ hành nghề.
“Trước đây đã từng có quy định tương tự, nếu người làm môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề có thể bị phạt đến 60 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng có mấy ai kiểm tra đâu, cũng chưa có ai bị phạt nên dần dần không còn để ý đến nữa. Tôi cũng đã có chứng chỉ hành nghề, nhưng đã thất lạc từ lâu”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.
Không chỉ trường hợp nói trên, nhiều nhân viên môi giới khác cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc học để lấy chứng chỉ hành nghề. Bởi đa phần những môi giới thành công đều trải qua kinh nghiệm thực tế. Từ thực tế là cách đào thải tốt nhất, phân loại những ai trụ lại được và không thể tiếp tục theo đuổi công việc này. Chứng chỉ hành nghề đối với người làm môi giới bất động sản là quan trọng, nhưng khi đi tiếp thị, bán hàng thì rất hiếm khi khách hàng hỏi loại giấy tờ này.
Chị Hường - một nhân viên môi giới đang bán hàng cho một dự án ở Bình Dương cho hay, chị làm môi giới bất động sản từ năm 2016 và từng làm việc ở nhiều công ty môi giới khác nhau, nhưng không thấy ai nói hay yêu cầu gì về chứng chỉ hành nghề nên chưa đi học.
“Hiện đã có quy định mới, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp chưa có thông báo hay yêu cầu nên hầu hết các nhân viên kinh doanh ở công ty vẫn chưa đi học. Chưa kể, việc bán hàng trong thời điểm này chưa thuận lợi nên cũng lười đi”, môi giới này chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lý do khiến người hành nghề môi giới bất động sản còn chưa thực sự quan tâm tới chứng chỉ hành nghề là thiếu thông tin tiếp cận.
Người môi giới chưa có thông tin về việc học nghề ở đâu và lấy chứng chỉ hành nghề như thế nào? Hơn nữa, trong bối cảnh bán hàng khó khăn như hiện nay, nhiều môi giới xác định, có chứng chỉ hay không cũng không quan trọng bằng việc tìm được nguồn khách hàng nên hình thành suy nghĩ “ngại” đầu tư tiền bạc, thời gian đi học.
Trong bối cảnh bán hàng khó khăn như hiện nay, nhiều môi giới xác định, có chứng chỉ hay không cũng không quan trọng bằng việc tìm được nguồn khách hàng nên hình thành suy nghĩ “ngại” đầu tư tiền bạc, thời gian đi học.
Ông Nguyễn Văn Ba - một môi giới bất động sản kỳ cựu tại TP.HCM cho biết, hiện có 2 nhóm môi giới là nhóm môi giới làm việc tại các sàn, công ty bất động sản và nhóm môi giới tự do. Trong đó, nhóm khó kiểm soát nhất là môi giới tự do vì bất kỳ ai cũng có thể hành nghề được. Nếu như không có sự quản lý chặt chẽ trong quá trình hành nghề thì môi giới sẽ không có áp lực để bỏ tiền ra đi học và lấy bằng.
Cũng theo môi giới này, nhiều người chỉ xác định làm môi giới bất động sản một thời gian sau đó rẽ hướng đi một con đường khác, bởi nghề này vốn bấp bênh, nhiều rủi ro và tính phụ thuộc cao… nên ngại đầu tư cho nghề. Chưa kể, mối quan tâm của hầu hết môi giới là có chốt được nhiều giao dịch hay không, hơn là những kiến thức sách vở.
Mặt khác, mục đích của việc buộc nhân viên môi giới phải qua đào tạo nhằm chấn chỉnh người hành nghề, tạo sự minh bạch cho thị trường là đúng đắn, nhưng chưa đủ. Bởi cái gốc của sự minh bạch trong thị trường xuất phát trước hết từ sự minh bạch trong đầu tư dự án của chủ doanh nghiệp.
Nếu một doanh nghiệp nghiêm túc trong đầu tư dự án, có chủ trương rõ ràng, cụ thể ngay từ đầu, thì dù nhân viên có chứng chỉ hay không vẫn sẽ minh bạch. Ngược lại, nếu nhân viên có chứng chỉ, nhưng bản thân chủ doanh nghiệp lập lờ trong đầu tư dự án, bán hàng, thì thị trường vẫn khó minh bạch.
Theo TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS IE), khi luật đã “ép” các môi giới vào khuôn khổ thì các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng lộ trình nâng tầm cho các môi giới.
“Chúng ta phải làm thật, làm nghiêm túc, chứ không nên làm cho có. Ngoài đào tạo lý thuyết, cần tạo điều kiện cho môi giới thực hành kỹ năng trong môi trường thực tế để đảm bảo chất lượng và tính chuyên nghiệp của chương trình đào tạo”, ông Lượng nói và nhấn mạnh rằng, đào tạo không phải là việc chỉ làm một lần, mà là quá trình liên tục.