“Tôi đăng bài rao bán đất mỗi ngày nhưng không ai hỏi thăm, nếu có cũng là để thăm dò giá chứ không mua”, anh Nguyễn Minh Hùng, nhân viên kinh doanh một sàn môi giới bất động sản có trụ sở tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) nói, đồng thời chia sẻ thêm, suốt 3 tháng qua chưa chốt được giao dịch nào.
Theo lời kể, anh Hùng bước chân vào nghề môi giới bất động sản được hơn 4 năm. Trước đó, anh làm nhân viên văn phòng cho một công ty chuyên về quảng cáo tại quận 4 (TP.HCM) với mức lương 15 triệu đồng/tháng, trước khi chuyển nghề môi giới địa ốc với hy vọng cải thiện thu nhập cũng như thay đổi môi trường nhàm chán của công việc văn phòng.
“Thời gian đầu chân ướt chân ráo, nhờ sự giúp đỡ từ lãnh đạo phòng và đồng nghiệp, tôi đã chốt được giao dịch đầu tiên. Nhớ lại khoảnh khắc lần đầu tiên cầm số tiền hoa hồng 30 triệu đồng trong tay, tôi thực sự phấn khích và trong đầu đã vẽ ra những dự định to lớn trong tương lai”, anh Hùng kể.
Tuy nhiên, ngày vui chẳng kéo dài, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm 2020 và kéo dài đến nay khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, những giao dịch thành công cũng ít dần đi. Bước sang năm 2022, tuy ảnh hưởng từ dịch bệnh đã vơi bớt, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan khi thị trường bất động sản trầm lắng từ đầu năm tới nay.
“Trước khi bước chân vào nghề môi giới địa ốc tôi đã tìm hiểu rất kỹ và chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với khó khăn, nhưng quả thực diễn biến thị trường nằm ngoài dự đoán khiến tôi không khỏi hụt hẫng”, anh Hùng giãi bày.
Thực tế, những môi giới cá nhân gặp khó khăn trong thời điểm hiện nay như anh Hùng không hiếm, song nếu môi giới cá nhân khó một thì những doanh nghiệp môi giới với hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả ngàn nhân viên, gặp khó gấp nhiều lần, bởi việc tìm kiếm nguồn hàng và thúc đẩy kinh doanh thời điểm hiện nay là không dễ dàng.
Nói như bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đức Linh Real, hiện nay, trên thị trường bất động sản gần như không có thanh khoản. Dòng tiền bị đứt gãy khiến các sàn giao dịch gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về chi phí. Tiền chưa về nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thanh toán nhiều khoản chi phí khác.
“Có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn, tâm lý từ lãnh đạo đến nhân viên đều ít nhiều hoang mang, dao động. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi bỏ cuộc. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, chúng tôi đang tập trung vào chăm sóc các khách hàng cũ, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác với các đối tác khác để có nguồn hàng mới cho nhân viên bán”, bà Linh chia sẻ.
Còn ông Hà Vũ Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nam cho hay, điều khó khăn nhất mà các doanh nghiệp môi giới đang đối mặt là không có hàng để bán.
“Hiện nay, chúng tôi phải tìm đến những dự án nhỏ lẻ hoặc tìm nguồn hàng từ những nhà đầu tư có nhu cầu bán ra để cho anh em có hàng bán. Lúc này, doanh nghiệp chỉ mong cầm cự, giữ chân được nhân viên, chứ không nghĩ tới lợi nhuận”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn nhìn nhận, mặc dù mức độ quan tâm đến bất động sản sụt giảm trong 3 tháng qua, nhưng trong ngắn hạn khó có khả năng giảm giá, bởi ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn hơn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như lạm phát, lãi suất tăng...
Hơn nữa, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản là nhu cầu thị trường. Hiện tại, 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản chủ yếu tập trung tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, tốc độ đô thị hóa của 2 đô thị này cũng rất cao, nên nhu cầu về nhà ở vẫn lớn. Do đó, thị trường bất động sản còn có cơ hội bật dậy từ nay đến cuối năm.
“Hiện là thời điểm thị trường đang ‘vào cua’, có nhiều doanh nghiệp đi xuống và cũng có nhiều doanh nghiệp đi lên. Những yếu tố ngắn hạn chỉ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp có kế hoạch ngắn hạn. Chính vì vậy, đầu tư kinh doanh bất động sản phải nhìn dài hơi, bởi tiềm năng thị trường còn rất rộng mở”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.