Làn sóng sa thải vừa qua đẩy nhiều doanh nghiệp địa ốc vào tình cảnh thiếu hụt nhân viên bán hàng. Ảnh: Dũng Minh

Làn sóng sa thải vừa qua đẩy nhiều doanh nghiệp địa ốc vào tình cảnh thiếu hụt nhân viên bán hàng. Ảnh: Dũng Minh

Môi giới địa ốc: Sau sa thải là... thiếu thốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều tháng tinh giản nhân sự kinh doanh để tồn tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc lại đang đối mặt với bài toán thiếu hụt trầm trọng nhân viên bán hàng khi triển khai mở bán dự án.

Khó khăn kéo dài buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự như là một giải pháp tiết giảm chi phí. Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán tại hơn 15 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, lượng nhân sự rời khỏi thị trường từ cuối năm 2022 ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh.

Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...

Một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn (chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án) ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% nhân sự cùng với giảm lương theo cấp bậc.

Đơn cử, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh vừa công bố cho thấy, doanh nghiệp này đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó riêng một công ty con thuộc mảng dịch vụ sa thải 3.040 người.

Anh Nguyễn Huy Toàn, Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản đang phân phối sản phẩm cho một dự án căn hộ ở TP. Thủ Đức chia sẻ, do thị trường ế ẩm, từ giữa tháng 6/2022 tới nay, công ty đã giảm 50% nhân sự và cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu. Công ty đã triển khai bán hàng trở lại nhưng guồng làm việc chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm trước, nhiều vị trí một người làm thay công việc của 3 người trước đây.

“Do thiếu hụt nhân sự nên việc triển khai kinh doanh trong quý đầu năm 2023 diễn ra rất chậm. Cả phòng marketing từ hơn chục người nay còn lại duy nhất trưởng bộ phận và phải gánh phần việc của các bộ phận kiểm soát, pháp chế, đối ngoại, hậu mãi đang trống. Chưa kể, lực lượng nhân viên bán hàng cũng giảm mạnh nên công ty dự tính đẩy hàng cho bên thứ 2 bán”, anh Toàn cho hay.

Tương tự, Tập đoàn bất động sản L.T đang triển khai bán hàng tại 2 dự án ở TP.HCM và Long An, sau hơn 2 tháng triển khai mở bán và chạy quảng cáo rầm rộ, số lượng giao dịch thành công không như mong muốn, nguyên do bởi thiếu hụt nhân viên kinh doanh và chăm sóc khách hàng, nên việc tiếp cận người mua hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, thay vì tuyển mới, doanh nghiệp này đã “kích hoạt” chương trình cộng tác viên đối với tất cả môi giới bất động sản quan tâm đến sản phẩm mà công ty cung cấp.

“Khi kích hoạt chương trình cộng tác viên này, doanh nghiệp không phải chịu chi phí ‘nuôi quân’ hàng tháng. Đổi lại, khi cộng tác viên có khách hàng hoặc chốt được khách thì mức hoa hồng được hưởng sẽ cao hơn so với nhân viên chính thức của công ty. Đây là giải pháp win-win cho cả doanh nghiệp lẫn môi giới tự do trong thời điểm hiện nay”, lãnh đạo tập đoàn trên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Châu Á, làn sóng cắt giảm nhân sự lĩnh vực bất động sản sẽ chưa dừng lại ít nhất là trong 6 tháng tới, dù năm ngoái thực trạng đào thải nhân sự ngành địa ốc đã lên cao nhất một thập kỷ qua. Theo đó, nhiều khả năng làn sóng nhảy việc của nhân sự bất động sản sẽ diễn ra mạnh mẽ trong quý II hoặc III năm nay, phân thành 3 nhóm: Một là nhóm chuyển hẳn sang nghề khác; hai là nhóm tạm nghỉ, chờ qua giai đoạn khó khăn sẽ quay trở lại; ba là nhóm có năng lực, nghỉ việc nơi này chuyển sang nơi khác ổn định hơn để tiếp tục hành nghề.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong khó khăn sẽ thấy được sức chịu đựng của các doanh nghiệp bất động sản ở mức nào. Doanh nghiệp nào đã quá sức sẽ buộc phải cắt giảm quy mô, tài sản, giảm nhân sự, thậm chí tạm đóng cửa.

“Thị trường quá khó khăn, các doanh nghiệp còn trụ lại cũng chỉ cố gắng làm sao để nuôi nhân sự, duy trì hoạt động, chứ ít nghĩ tới chuyện mở rộng hoạt động hay tăng trưởng. Tuy vậy, giai đoạn này cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đào tạo nhân sự chất lượng cao, tìm kiếm sự sáng tạo trong kinh doanh để tạo đột phá khi thị trường hồi phục”, ông Bảo nhìn nhận.

Tin bài liên quan