1. Hàng không có để bán, có hàng thì cạnh tranh nhau bằng mọi cách để chốt “deal” (giao dịch), thậm chí “cắt” hoa hồng, chỉ mong đủ doanh số, nhưng trong năm 2023 vừa qua, ngay cả với những môi giới kiên nhẫn với nghề cũng không tránh khỏi tình trạng “ngồi chơi xơi nước” ít thì 4 - 5 tháng, nhiều thì 7 - 8 tháng.
Khảo sát lương năm 2023 do Navigos Group công bố gần đây cho thấy, thu nhập của nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản giảm mạnh so với 2 năm trước đó, khi nhiều vị trí có mức giảm từ một nửa trở lên.
Với đội ngũ môi giới bất động sản, nếu làm đủ doanh số, mức lương cơ bản 3,5 - 5 triệu đồng/tháng cộng thêm tiền hoa hồng, phụ cấp thì thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng; riêng những người làm lâu năm, mức thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với số tháng “âm” việc nhiều như năm vừa qua, rất ít môi giới được nhận đủ lương và hoa hồng.
Nghề môi giới với cái mác “quần là, áo lượt”, tay cầm iPhone, nói chuyện tiền tỷ…, giờ đây trở thành một trong những nghề mà nhiều người cho là “nản” nhất hiện nay.
Khảo sát được Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services thực hiện vào tháng 9/2023 với nhóm môi giới nghỉ việc cho biết, xấp xỉ 38% có ý định quay trở lại làm việc khi thị trường hồi phục, 24% nói rất phân vân và 27% đã đổi nghề, không có ý định quay lại.
Nghề môi giới bất động sản với cái mác “quần là, áo lượt”, tay cầm iPhone, nói chuyện tiền tỷ…, giờ đây trở thành một trong những nghề mà nhiều người cho là “nản” nhất hiện nay.
Hiện tại, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, khả năng quay trở lại của các môi giới đã bỏ nghề vẫn ở mức thấp, vì từ 1/1/2025, họ sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực. Ngoài việc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, người môi giới còn chịu sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng và chỉ được nhận thanh toán hoa hồng môi giới qua ngân hàng.
Thực tế, trong giai đoạn thị trường địa ốc sôi động, lực lượng môi giới nhà đất tăng mạnh, nhưng số lượng môi giới “tay ngang” quá nhiều, nhóm này đa số chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt nên có các chiêu trò “thổi” giá tạo “sốt” ảo, gây hậu quả cho người tiêu dùng và tạo ra hệ lụy xấu cho thị trường cũng như kinh tế địa phương.
“Tính chuyên nghiệp kém, chưa có chuẩn mực và không có ý thức nâng cao về nghề” là đánh giá mà Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thẳng thắn đưa ra trong nhiều báo cáo về hoạt động của lực lượng môi giới địa ốc.
Đáng lưu ý, VARS cho rằng, cũng như môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả, tuân thủ pháp luật chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10%.
2. Có khoảng 200.000 môi giới bất động sản “rơi rụng” kể từ thời điểm dịch Covid-19 tới nay, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong thời gian tới, khi thị trường địa ốc được nhận định sẽ dần sôi động trở lại.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác, như nhiều lãnh đạo đơn vị phân phối bất động sản chia sẻ trong các cuộc “trà dư tửu hậu” cuối năm vừa qua, số lượng môi giới rơi rụng đa phần rơi vào nhóm “tay ngang”, thiếu kinh nghiệm, yếu về chuyên môn, năng lực và cả đạo đức. Vì thế, đây là cơ chế chọn lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng với những người có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm, qua đó góp phần tạo lập sự phát triển bền vững hơn cho thị trường, nhất là khi trách nhiệm và địa vị của người môi giới dần được nâng cao trong suy nghĩ của khách hàng nói riêng, người dân nói chung.
Có một thực tế là nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam chưa thật sự được coi trọng. Nhiều khách hàng chỉ coi môi giới là người có thông tin, giới thiệu, “chỉ trỏ” để hưởng hoa hồng. Bản thân không ít chủ đầu tư coi môi giới là bên bán thuê, cần việc nên có những công việc chèn ép môi giới, yêu cầu ký cược tiền nhằm chiếm dụng vốn, đôi khi lên đến cả trăm tỷ đồng mới cho bán hàng, thậm chí ép môi giới phải tiếp tay làm trái quy định pháp luật.
“Vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực, nên cộng đồng, xã hội coi môi giới bất động sản chỉ là ‘cò mồi’ và không được trân trọng”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận xét.
3. Cuối năm Âm lịch thường là giai đoạn chạy nước rút của ngành bất động sản, nhưng năm nay, không ít sàn giao dịch nghỉ Tết sớm. Chẳng hạn, Tập đoàn Danh Khôi cho toàn bộ khối kinh doanh (Sàn Danh Khôi miền Nam) nghỉ Tết từ ngày 17/11/2023 Âm lịch và dự kiến ngày 21/1/2024 Âm lịch mới đi làm trở lại.
Không ít doanh nghiệp khác tăng gấp đôi số ngày nghỉ Tết so với mọi năm, do không có nhiều đầu việc để làm khi doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án. Theo đó, nhân viên khối văn phòng nghỉ từ ngày 24/12/2023 đến 17/1/2024 Âm lịch, khối kinh doanh nghỉ từ ngày 5/12/2023 đến 21/1/2024 Âm lịch.
Không chỉ cho nhân viên nghỉ Tết sớm, nhiều doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, khả năng cao là sẽ không có thưởng Tết. Đơn vị nào còn duy trì hoạt động bán hàng thì doanh nghiệp cố gắng chi tháng lương thứ 13, hoặc “lì xì” thêm tượng trưng. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng khó thưởng Tết, vì theo báo cáo kinh doanh năm 2023, kế hoạch doanh thu dù ở mức thấp cũng không đạt được. Một số doanh nghiệp buộc phải tiếp tục cắt giảm nhân sự.
Mặc dù vậy, "ánh sáng cuối đường hầm" dần xuất hiện khi thị trường bất động sản được dự báo sẽ có những nét tươi sáng hơn, với kỳ vọng các chính sách vĩ mô ngấm dần vào thực tế, tâm lý người mua dần phục hồi tích cực, mang lại công việc cho môi giới - lực lượng không thể thiếu trong việc thúc đẩy các giao dịch, bảo đảm chất lượng bất động sản. Giai đoạn hiện tại là cơ hội để các cá nhân và doanh nghiệp môi giới tập trung vào việc nâng cao kiến thức, kỹ năng hành nghề nhằm sẵn sàng đón nhận thời điểm thị trường phục hồi. Trong đó, việc định danh và trang bị chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực môi giới bất động sản không chỉ góp phần tạo ra sự chuyên nghiệp và độ tin cậy trong ngành, mà còn giúp môi giới tạo ra dấu ấn cá nhân, nâng cao uy tín và thu hút khách hàng.