Khó khăn hiện tại chủ yếu liên quan đến nguồn vốn

Khó khăn hiện tại chủ yếu liên quan đến nguồn vốn

Môi giới địa ốc giai đoạn “bất thường”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 2.300 doanh nghiệp môi giới ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2022, một con số đủ để nói lên sự khó khăn của thị trường địa ốc trong năm qua, bất chấp việc nền tảng kinh tế vĩ mô thời điểm này tốt hơn nhiều so với 2 năm Covid.

2022 - năm khó của môi giới nhà đất

“Họa vô đơn chí” là cụm từ mà TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh khi đánh giá thị trường bất động sản năm 2022. Theo ông Lực, 3 yếu tố gồm “Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế”, “suy thoái nhẹ toàn cầu” và “điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn” đã tác động mạnh chưa từng có tới kinh tế Việt Nam kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2009-2011 và với thị trường bất động sản, đó là sự “bất ổn” lan rộng ở mọi địa bàn, mọi phân khúc.

Chính sách thắt chặt tiền tệ thời điểm cuối năm làm nghẽn dòng tiền, góp phần làm suy yếu hơn thanh khoản thị trường và hệ quả là những đơn vị tuyến đầu như doanh nghiệp môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Theo ước tính của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới còn hoạt động hiện chỉ bằng khoảng 30-40% so với hồi đầu năm.

Như đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes, nếu khó khăn của chủ đầu tư là 8-9 thì với người môi giới là tương đương, thậm chí cao hơn khi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng sản phẩm, nhưng chủ đầu tư không bán được hàng nên không thể thanh toán. Việc không có nguồn thu kéo dài, trong khi các chi phí vẫn phải chi trả đều đặn nên phải ngừng hoạt động là dễ hiểu bởi không thể chịu đựng mãi.

Anh Minh Toàn, một môi giới nhà đất lâu năm khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho hay, đang loay hoay kiếm việc làm thêm vì công ty đã cắt lương cứng 2 tháng nay. Tình trạng này ngày càng gây áp lực lớn hơn bởi đã nửa năm qua không chốt được giao dịch nào.

“Dạo trước, dù không kiếm được hợp đồng thì vẫn còn có khoản lương này để trang trải chi phí đi lại, ăn uống. Còn hiện tại, tôi đang phụ vợ nhập ít hàng Tết về bán online để có thêm thu nhập”, môi giới này bộc bạch.

Một nhóm môi giới từng làm việc cho một chủ đầu tư lớn ở Hà Nội đã tách ra mở công ty riêng chuyên về dịch vụ cho thuê bất động sản, song công ty này cũng đã nghỉ Tết sớm vì quá ế khách, thậm chí có thể giải thể nếu sau Tết thị trường không khả quan hơn. Thống kê của VARS cho thấy, trong phạm vi một phân khúc bất động sản, có tới 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Kỳ vọng 2023 sẽ ổn định hơn

Theo đánh giá của các chuyên gia, những khó khăn của thị trường thời điểm hiện tại chủ yếu liên quan đến nguồn vốn. Do đó, trong giai đoạn “bất thường” này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, mà đầu tiên là nới chuẩn tín dụng. Bởi hiện tại, mặc dù Chính phủ đã bố trí gói hỗ trợ tài chính 40.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 52% và bất động sản không phải là đối tượng hỗ trợ chính.

Ghi nhận ý kiến phản hồi từ phía nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng nhưng lại yêu cầu quá chặt chẽ về chuẩn tín dụng đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và không cho phép dùng trái phiếu để bảo lãnh vay... nên doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận, từ đó lặp lại vòng luẩn quẩn là doanh nghiệp không có vốn đầu tư dự án nên không có sản phẩm đưa ra thị trường, còn đơn vị môi giới không có hàng để bán nên không có nguồn thu.

“Thị trường ngưng trệ, giao dịch yếu không phải xuất phát từ yếu tố nội tại, mà là do có quá nhiều ‘sự cưỡng bức’ đến từ bên ngoài. Nói cách khác, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường nhưng bị bắt phải ‘giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu” nên rất dễ rơi vào tình trạng đột quỵ”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) ví von.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã và đang nỗ lực tái cơ cấu tài chính, hoạt động kinh doanh, hướng đến nhu cầu thực. Do đó, trong thời gian tới, nguồn cung mới sẽ được cải thiện, đặc biệt là các sản phẩm phù hợp với số đông như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…

“Khi nhu cầu ở thực của người dân sớm được đáp ứng, thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại”, ông Hà nhấn mạnh.

Tin bài liên quan