Đó là quan điểm của ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tại hội thảo “Môi giới Bất động sản Việt Nam - chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế” được tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua.
Theo thống kê của VARS, hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, trong chỉ có khoàng 35.000 người có Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, và trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của nghề này trung bình tăng khoảng 15%/năm.
Mặc dù số lượng môi giới bất động sản tăng nhanh, góp phần mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng, và nghiệp vụ tư vấn ngày một chuyên nghiệp hơn, qua đó, khách hàng có thể nhanh chóng có được những quyết định đầu tư tốt, an toàn và được hướng dẫn thủ tục pháp lý một cách đầy đủ và thuận lợi.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều người cho rằng, những “cò đất” là nguyên nhân tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, thổi giá để trục lợi. Thực tế, không ít người là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, cùng vấn nạn tin nhắn, các cuộc gọi chào mời liên quan đến bất động sản cả ngày lẫn đêm đang tạo ra nhiều thành kiến với nghề này và ảnh hưởng xấu tới những nhà môi giới chân chính.
Ông Phạm Lân, Phó chủ tịch VARS cho rằng, mọi người hay nói ai cũng có thể làm môi giới bất động sản, nhưng lẽ phải ngược lại, là không phải ai cũng có thể làm môi giới bất động sản.
“Thực tế hiện nay đang thiếu đi những cơ chế quản lý tốt ngành môi giới bất động sản, nên xã hội chưa có cái nhìn đúng đắn về nghề này. Chính vì vậy, đã tạo ra không ít những người làm môi giới tự phát. Trên thị trường hiện nay, rất nhiều môi giới nghiệp dư, lứa tuổi nào cũng có và xem đó là nghề nhanh làm giàu, mặc dù không ít trong số đó không có hiểu biết về nghề nghiệp và pháp lý liên quan. Đó là những người thấy thị trường sốt thì “nhảy” vào, hết sốt thì nghỉ", ông Lân nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký VARS chia sẻ thêm, nhà môi giới tại Việt Nam nhìn chung đều “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề. Khi chưa có nhiều chế tài pháp luật, thì việc trông đợi các nhà môi giới tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là một điều không đơn giản.
“Có quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy, do thiếu nghiêm túc trong việc hành nghề, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi của khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây”, ông Đính nói và phân tích thêm.
Có quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vội vã tham gia thị trường
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký VARS cho biết, hiện nay hoạt động môi giới bất động sản đan xen giữa các hoạt động chuyên nghiệp và tự phát, nghiệp dư, hỗn độn và phức tạp. Điều đáng nói, việc hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát.
Theo thống kê, trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng ó sự sai lệch về thông tin, giá cả, pháp lý, quy hoạch… Gần 100% giao dịch bất động sản riêng lẻ, giao dịch trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập từ hoạt động môi giới. Ngoài ra, những thông tin ảo, đồn thổi giá, quy hoạch "ma" không phải là điều mới trên thị trường bất động sản.