Năm 2014, tổng phí bảo hiểm đạt 6.476 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức tăng trưởng nêu trên tương đương với tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới (bao gồm cả môi giới gốc và môi giới tái bảo hiểm) là 6.476 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng số phí bảo hiểm phi nhân thọ của toàn thị trường. Hoạt động môi giới bảo hiểm vẫn tập trung chủ yếu ở nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại (hơn 67%), nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (hơn 16%).
Nguyên nhân tăng trưởng gần 22% kể trên là do nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ tăng hơn 173%, từ gần 63 tỷ đồng năm 2013 lên gần 172 tỷ đồng năm 2014. Ngoài ra, còn do sự tăng trưởng cao của một số nghiệp vụ khác như bảo hiểm hàng không (tăng 78%), bảo hiểm tài sản và thiệt hại (tăng 31,9%), bảo hiểm sức khỏe (tăng gần 13%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (tăng 3%).
Về doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm, năm 2014, con số này đạt gần 492 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013. Hoa hồng môi giới bảo hiểm vẫn chủ yếu tập trung ở các nghiệp vụ: bảo hiểm tài sản và thiệt hại (hơn 47%), bảo hiểm sức khỏe (gần 28%), bảo hiểm trách nhiệm chung (6,78%).
Doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới tăng cường hợp tác
Các năm trước, sự hợp tác giữa DN bảo hiểm và môi giới khá mờ nhạt. Năm 2014 vừa qua, các DN bảo hiểm quan tâm hơn đến kênh môi giới bảo hiểm, nhưng chưa có sự đầu tư thích đáng. Từ đầu năm đến nay, các DN bảo hiểm dành sự quan tâm nhiều hơn đến kênh phân phối bảo hiểm qua môi giới. Đây được xem là tín hiệu khả quan nhằm tạo đà phát triển hơn nữa cho kênh này.
Một số DN bảo hiểm trước đây có kết quả hợp tác với DN môi giới không như kỳ vọng nên tạm ngưng hợp tác chia sẻ, sẽ nối lại quan hệ này. Có DN chưa từng ngó ngàng đến mối hợp tác với các DN môi giới bảo hiểm cho hay, sẽ tiến hành hợp tác trong năm nay. Thậm chí, có DN bảo hiểm phi nhân thọ coi đây là một kênh phải tập trung chú trọng khai thác nhằm tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đại diện PJICO cho biết, kênh bán hàng qua môi giới tiếp tục được Tổng công ty chú trọng phát triển trong năm 2015 và các năm tới, với mục tiêu tăng trưởng trên 40%/năm. Năm 2014, kênh khai thác qua môi giới có mức tăng trưởng doanh thu gần 45% so với năm 2013, đạt xấp xỉ 80 tỷ đồng (mức tăng trưởng trong năm 2013 là 30%). Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ nhóm nghiệp vụ tài sản, kỹ thuật. PJICO đã tạo được mối quan hệ hợp tác kinh doanh với hầu hết tổ chức môi giới nước ngoài lớn tại Việt Nam như Aon, Marsh, Grassvoye, JLT, cũng như các môi giới trong nước như Á Đông, Nam Á, Cimeico, Việt Quốc…
Kết quả khả quan nêu trên là bằng chứng cho thấy quyết định đúng đắn của PJICO khi tập trung khai thác qua kênh trung gian là các tổ chức môi giới bảo hiểm.
Theo PJICO, kênh bán hàng qua môi giới còn nhiều tiềm năng, Tổng công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và hỗ trợ các đơn vị tăng cường khai thác qua kênh môi giới. Nâng dần tỷ trọng tham gia bảo hiểm qua kênh môi giới đối với nhóm nghiệp vụ tài sản, kỹ thuật, hàng hóa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu qua kênh này từ 35 - 40%.
Tại Bảo Minh, ngoài việc tiếp tục mở rộng kênh bán hàng qua ngân hàng, các tổ chức tài chính, thì năm 2015 này, Tổng công ty sẽ chú trọng hợp tác với môi giới bảo hiểm, tập trung ở trụ sở chính và các đơn vị tại 2 địa bàn lớn là TP. HCM và Hà Nội để khai thác các dịch vụ.
Tại Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), đẩy mạnh khai thác bảo hiểm qua môi giới là Aon, Marsh, Grassvoye đã được tổng công ty này đặt ra.
Còn ở khối bảo hiểm nhân thọ, một số DN lên kế hoạch hợp tác chi tiết hơn với môi giới bảo hiểm trong bán các sản phẩm nhân thọ, hưu trí tự nguyện, sau thời gian hợp tác trước đó chưa thành công như mong đợi.
Hướng tới thành lập Hiệp hội Môi giới bảo hiểm
Ghi nhận từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, cơ quan này đang nghiên cứu thực tiễn phát triển mảng môi giới bảo hiểm tại các nước để từ đó tìm giải pháp thúc đẩy mảng này.
Hiện tại, vẫn có một khoảng cách không nhỏ giữa các DN môi giới bảo hiểm nước ngoài với trong nước trong năng lực quản trị, tính chuyên nghiệp... Thị phần phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới chủ yếu nằm trong tay 5 DN nước ngoài là Aon, Gras Savoye, Jardine Lloyd Thompson, Marsh và Toyota Tsusho. Năm 2014, thị phần phí thu xếp của khối DN môi giới bảo hiểm nước ngoài là 92,6%, các DN môi giới bảo hiểm trong nước chiếm thị phần 7,4%.
Ngoài ra, phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng phí bảo hiểm toàn thị trường. Đơn cử, tại mảng bảo hiểm phi nhân thọ, phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới chỉ chiếm khoảng 12% doanh thu phí bảo hiểm gốc, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan chiếm xấp xỉ 30%, ở Mỹ là 85%.
Tại hội nghị chuyên đề trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, sẽ sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về hoạt động môi giới bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN trong lĩnh vực này, đặc biệt là DN trong nước; từng bước tuân thủ các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành, hướng tới phát triển mạnh mẽ hơn mảng môi giới bảo hiểm.
“Về dài hạn, Cục sẽ nghiên cứu quy định cho phép DN môi giới bảo hiểm thực hiện một số hoạt động tương đồng với hoạt động môi giới bảo hiểm theo thông lệ quốc tế như tư vấn bảo hiểm, tư vấn đánh giá rủi ro, làm dịch vụ thiết kế sản phẩm, giải quyết bồi thường cho DN bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân”, đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm nói và cho biết thêm, sẽ hướng tới việc thành lập Hiệp hội Môi giới bảo hiểm Việt Nam nhằm giúp các DN xây dựng quy tắc ứng xử, nâng cao năng lực, chuẩn mực về chuyên môn.
Với nỗ lực của các DN môi giới bảo hiểm, sự phối hợp chặt chẽ hơn của các DN bảo hiểm cùng cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý, kênh phân phối bảo hiểm qua môi giới đang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Bên cạnh các nghiệp vụ tăng trưởng cao thì vẫn còn có một số nghiệp vụ có phí thu xếp qua môi giới bảo hiểm giảm là bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính. Hoạt động kinh doanh của khối DN môi giới vẫn chủ yếu tập trung ở các DN nước ngoài. Dẫu có 7 công ty môi giới bảo hiểm đăng ký kinh doanh cả môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm, nhưng dịch vụ môi giới tái bảo hiểm mới chỉ được thực hiện ở 3 công ty môi giới bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tổng phí tái bảo hiểm ra nước ngoài thu xếp qua môi giới năm 2014 đạt khoảng 3.285 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 79 tỷ đồng. Dịch vụ môi giới tái bảo hiểm ra nước ngoài tập trung chủ yếu ở nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm hàng không. |