Sau một thời gian chuẩn bị, Labo - công ty cung cấp dịch vụ tài chính, trong đó có mảng bảo hiểm nhân thọ, đã chính thức ra mắt. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi phát triển hoàn thiện, đây có thể là công ty môi giới bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động.
Theo bà Lê Hoàng Lan, Tổng giám đốc (CEO) Labo, từ những năm 90 trở lại đây, đội ngũ tư vấn của các công ty chỉ được tư vấn một loại hình sản phẩm tài chính.
Chẳng hạn, chuyên viên ngân hàng chỉ tư vấn các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng; đại lý bảo hiểm nhân thọ chỉ tư vấn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, tương tự là đại lý bảo hiểm phi nhân thọ cũng chỉ tư vấn các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến bảo hiểm phi nhân thọ, thậm chí ngay cả môi giới bảo hiểm cũng chỉ môi giới sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Vì vậy, khách hàng sẽ cần rất nhiều “đầu mối” để có thể có được giải pháp tài chính vẹn toàn cho các nhu cầu cùa mình.
“Mục tiêu của Labo là mang lại những giải pháp tài chính trọn vẹn theo phương thức một cửa (one-stop shop) cho khách hàng, cũng như người dân Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia trong ngành, broker bảo hiểm là hình thức tư vấn bảo hiểm khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Mô hình này giúp khách mua bảo hiểm không phải mất nhiểu thời gian thẩm định tình hình sức khỏe bản thân, cũng như không gặp khó khăn trong thẩm định chi trả các quyền lợi bảo hiểm.
Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, có khá nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm qua kênh broker, có thể kể đến là Aon, Gras Savoye Willis, Marsh… Ngoài việc thiết kế đơn bảo hiểm phù hợp với nhu cầu khách hàng, các nhà môi giới này cũng phát triển sản phẩm riêng và được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, hình thức này vẫn rất mới, khiến việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ còn hạn chế.
Một CEO bảo hiểm cho biết, có một vài công ty đã thử mô hình broker cho bảo hiểm nhân thọ, nhưng mức độ thành công còn khá thấp. Thực tế, các công ty bảo hiểm nhân thọ muốn đầu tư vào đội ngũ của mình hơn là trả phí cho broker bởi việc hợp tác này chưa cho thấy hiệu quả cao, ảnh hưởng chưa tích cực đến thương hiệu của công ty, trong khi chi phí lại khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thị trường Việt Nam với cấu trúc dân số, thu nhập và sự phát triển của các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng như hiện nay sẽ là cơ hội “vàng” cho các giải pháp tài chính trọn vẹn và thuận tiện của các công ty môi giới bảo hiểm.
Trở lại câu chuyện của Labo, sau khi chính thức có giấy phép đại lý từ cơ quan quản lý, công ty này đã có đối tác chiến lược đầu tiên là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam.
“Tất cả các chuyên viên tư vấn của Labo sau khi hoàn thành các khóa đào tạo để được cấp phép là đại lý bảo hiểm của FWD Việt Nam đều có quyền tư vấn sản phẩm của FWD Việt Nam tới khách hàng của mình”, đại diện FWD Việt Nam cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, FWD Việt Nam là một thương hiệu mới tại thị trường Việt Nam, nên việc chọn hợp tác với đối tác như Labo để bán bảo hiểm cũng nằm trong chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối của Công ty, nhằm mang sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng một cách thuận tiện nhất.
“Tất nhiên, ngoài kênh phân phối trên, FWD Việt Nam cũng sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối khác, vì thực tế, kênh broker bảo hiểm còn quá mới và quá nhỏ so với các kênh bán hàng khác”, đại diện FWD Việt Nam cho hay.
Theo giới quan sát, với tiềm năng của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hiện nay, trong tương lai không xa, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có thêm những công ty môi giới bảo hiểm mới và phân khúc này cũng sẽ sôi động như bancassuarance.
“Mỗi một kênh phân phối có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Kênh đại lý vẫn là kênh chủ đạo của thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại, nhưng ở một thị trường bảo hiểm tiềm năng như Việt Nam thì cơ hội vẫn còn cho các kênh phân phối khác.
Về kênh broker nhân thọ, còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công, nhưng trong chặng đường phát triển, vẫn rất cần những bước chân tiên phong”, một chuyên gia nhìn nhận.