Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno có mối quan hệ thắm thiết, quý mến (Ảnh tư liệu)
Giữa một ngã tư sầm uất ở Thủ đô Jakarta và bên cạnh là cửa hàng mỹ nghệ, bên trong có nhiều mặt hàng mang dáng dấp Việt Nam xưa, tôi liên tưởng đến Cách mạng tháng Tám 1945 của hai nước chỉ cách nhau có 2 ngày, khi nhân dân Việt Nam và Indonesia vùng lên giành chính quyền từ tay thực dn và mở ra trang sử mới cho dân tộc mình.
Lịch sử sẽ ghi nhận Việt Nam và Indonesia là hai nước có một mối quan hệ độc đáo nhất và thân tình nhất, bởi vì tình cảm này được bắt nguồn và xây đắp từ cái bắt tay thắm thiết của hai nhà lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc, là Bác Hồ và Tổng thống Sukarno.
Cách đây 58 năm, vào ngày 24/6/1959, tôi và các bạn học sinh Trường phổ thông cấp 3 Việt Đức được vinh dự đi đón Tổng thống Sukarno tại Sân bay Gia Lâm. Khó mà nói hết được cái háo hức trẻ trung của ngày ấy, bên cạnh sân bay là một kỳ đài xinh xắn, còn lối ra máy bay đã được trải thảm đỏ và khi chiếc máy bay cánh quạt đỗ xuống, đích thân Bác Hồ nhanh nhẹn bước ra đón khách và sau này tôi được biết, đó là một ngoại lệ mà Bác Hồ dành riêng cho Tổng thống Indonesia. Vừa xuống máy bay, Tổng thống Sukarno reo lên: “Xin chào người anh cả của tôi” và dang tay ôm chặt Bác Hồ.
Trước đó, Bác đã nói: “Mùa Xuân năm nay, lúc Bác sang thăm Indonesia, chẳng những gia đình Tổng thống từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, rồi Quốc hội và tất cả nhân dân Indonesia cũng không xem bác là người khách, mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Indonesia. Bác đã ở bên ấy 10 ngày, kết nghĩa anh em với Tổng thống Sukarno, đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, hàng triệu nhân dân ra đón Bác, luôn luôn tỏ ra một tình thân rất nồng nhiệt…”.
Đọc diễn văn chào mừng trên kỳ đài của buổi lễ đón khách, vị khách đặc biệt có rất nhiều nét tương đồng với Bác Hồ về sự thông tuệ, Bác đã lẩy Kiều rất thân tình:
Ba tháng trước đó, Bác đã đi thăm Indonesia và đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Bác Hồ đi thăm, kể từ sau năm 1954. Lần đó, vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã gây ngạc nhiên cho cả giới báo chí và dư luận Indonesia khi Bác và tất cả thành viên đoàn Việt Nam cởi giày đi đất vào thăm và thực hiện nghi thức tại ngôi đền Brobadia - ngôi đền cổ nhất của người Hồi giáo. Ông Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Lễ tân, Bộ Ngoại giao kể lại rằng, tại đó, Bác nói chúng ta cần trân trọng mọi tôn giáo, những nghi thức hành lễ của người Hồi giáo có gì đó giống với phương pháp rèn luyện thân thể của Yoga và rất cần học tập.
Hồi ấy, Hà Nội sôi nổi hơn mọi ngày vì có đoàn Indonesia qua thăm, đặc biệt các nghệ sỹ đến từ Nam Dương (tên cũ của Indonesia) đã trình diễn những tác phẩm rất hấp dẫn và tôi sẽ cam đoan rằng, sau Liên Xô, Trung Quốc, thì Indonesia là nước có nhiều bài hát mà thanh niên Hà Nội hồi ấy hay hát nhất. Bác Hồ cũng thay mặt nhân dân Việt Nam trao tấm huân chương Kháng chiến hạng Nhất - huân chương cao quý nhất hồi đó của Việt Nam cho Tổng thống Sukarno. Rồi trong ngày chia tay lưu luyến, Bác lại đọc mấy câu thơ mà sau này đã đăng trên tờ báo Đảng:
Tôi cũng nhớ rõ, ngày 28/6/1959, trước cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Indonesia qua thăm Việt Nam, Bác Hồ vẫn nhắc lại hai câu thơ “Nước xa mà lòng không xa…” và tiếp tục dùng những vần thơ để chia sẻ quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết lại đoàn kết. Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết. Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết. Thắng lợi to lớn nào chúng ta cũng tranh thủ được hết”. Tôi không quên được rằng, ngay từ ngày dựng nước, khẩu hiệu quốc gia của Indonesia là "Bhinneka tunggal ika" (Thống nhất trong đa dạng) và có gì đó rất tương đồng với tinh thần đoàn kết và muốn làm bạn với tất cả của thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay.
Nhiều người Hà Nội sẽ không quên được nét cảm động ở lễ chia tay giữa hai vị lãnh tụ ấy, sau khi chúc Việt Nam sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, như Indonesia sẽ thu hồi miền Tây Irian, Tổng thống Sukarno đã đưa tay lên và hô lớn “Việt Nam muôn năm!”. Mối thâm tình của hai nhà lãnh tụ thật khó hình dung cho hết.
Khi mà người dân Hà Nội còn có băn khoăn, vì sao chuyến đi của ngài Sukarno lại không có phu nhân như lời mời của Bác, thì hai tháng sau, Bộ Ngoại giao nước ta đã ra thông báo rằng, phu nhân của Tổng thống Sukarno sẽ sang thăm Việt Nam. Cả Hà Nội xôn xao với câu hỏi ai sẽ ra đón phu nhân, phải chăng đó là bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và thế rồi lại một bất ngờ nữa, vì đích thân Hồ Chủ tịch ra sân bay đón khách. Bác Hồ tay cầm bó hoa bước đến trao cho phu nhân và nói “Chúc mừng phu nhân đến Việt Nam. Vì Tổng thống Sukarno đã xem tôi như một người anh, thì tôi cũng xin gọi phu nhân là thím, vậy thím hãy coi Việt Nam như là nhà của mình, thím hãy tin rằng, phụ nữ và nhân dân Việt Nam rất yêu quý thím, cũng như rất yêu quý phụ nữ và nhân dân các nước khác”.
Năm 2001, bà Megawati Sukarnoputri - vị nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Việt Nam. Bà chính là con gái cố Tổng thống Sukarno. Việc đầu tiên sau khi đến Hà Nội là vào lăng viếng “Panman” Hồ (Bác Hồ). Bà nói: “Đối với cá nhân tôi, chuyến thăm Việt Nam lần này không có gì lạ lẫm bởi ngay từ hồi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Indonesia theo lời mời của Tổng thống đầu tiên Sukarno, cha tôi, tôi đã cảm thấy rất quý mến và gần gũi với Người, gọi Người là Bác Hồ. Người cũng coi tôi như con của mình”.