Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản của Trung Quốc kể từ năm ngoái. Tập đoàn này đã gặp khó khăn trong việc trả nợ cho các nhà cung cấp, chủ nợ và nhà đầu tư sau khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kiểm soát mức nợ cao cho các nhà phát triển bất động sản.
Việc khoản nợ nước ngoài đến hạn thanh toán trị giá 22,7 tỷ USD của Evergrande, bao gồm các khoản vay và trái phiếu tư nhân được coi là không có khả năng trả nợ đã nhấn chìm các nhà phát triển Trung Quốc khác khi điều kiện tín dụng của họ xấu đi và khiến một số công ty nhỏ hơn vỡ nợ.
Kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài của Evergrande dự kiến công bố vào cuối tháng 7, được xem sẽ trở thành khuôn mẫu cho các công ty thiếu thanh khoản.
“Tất cả chúng tôi đang chờ đợi đề xuất của Evergrande để có ý tưởng về các điều khoản và nó sẽ thiết lập một tiêu chuẩn. Không công ty nào muốn trở thành người đầu tiên vì đó sẽ là áp lực rất lớn", giám đốc điều hành cấp cao của một nhà phát triển bất động sản hiện đang đàm phán với các chủ nợ về việc tái cấu trúc cho biết.
Tuy nhiên, đề xuất tái cơ cấu nợ của Evergrande được đưa ra vào thời điểm điều kiện kinh tế vĩ mô của Trung Quốc xấu đi và lĩnh vực bất động sản đang phải chứng kiến những thách thức chưa từng có, được cho là sẽ gặp những trở ngại.
Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của Evergrande, Siu Shawn cho biết vào hôm thứ Sáu (22/7) rằng, Công ty đã đạt được sự đồng thuận cơ bản với một số chủ nợ lớn ở nước ngoài về các nguyên tắc và khuôn khổ của đề xuất tái cơ cấu.
Tuy nhiên, một số chủ nợ nước ngoài của Evergrande nói với Reuters rằng, vẫn còn bất đồng về cách thức trả nợ và tổ chức lại các khoản nợ, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc thực hiện tái cơ cấu.
Evergrande bắt đầu đàm phán với các chủ nợ nước ngoài về đề xuất tái cơ cấu vào đầu năm nay sau khi các cố vấn cho một nhóm trái chủ bằng đô la yêu cầu nhà phát triển minh bạch hơn.
Reuters từng đưa tin vào tháng 5 rằng Evergrande đang xem xét trả nợ cho các trái chủ công ở nước ngoài khoảng 19 tỷ USD bằng tiền mặt và vốn cổ phần tại hai trong số các đơn vị niêm yết ở Hồng Kông.
Theo nguồn tin từ Reuters, sau khi công bố đề xuất tái cơ cấu, công ty đã đặt mục tiêu đạt được sự đồng thuận với các chủ nợ về các điều khoản cụ thể vào cuối năm nay.
Trong nước, Evergrande cũng đã và đang gia hạn nghĩa vụ trả nợ, mặc dù các chủ nợ ngày càng mất kiên nhẫn.
Hôm thứ Sáu (22/7), nhà cung cấp thông tin tài chính REDD đưa tin rằng, Evergrande cũng nhằm mục đích đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu đơn giản đối với khoản nợ trong nước vào đầu tuần này.
Raymond Cheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc và Hồng Kông tại CGS-CIMB Securities cho biết, đề xuất của Evergrande cũng nên phác thảo những gì họ sẽ làm với các dự án chưa bán và quỹ đất hiện có, điều này sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản rộng lớn hơn.
“Các nhà đầu tư sẽ không nhìn đề xuất của Evergrande chỉ từ góc độ công ty mà còn ở góc độ vĩ mô”, ông cho biết.