Chỉ có sự minh bạch mới tạo được sự đồng thuận xã hội.

Chỉ có sự minh bạch mới tạo được sự đồng thuận xã hội.

Mọi con đường sẽ hanh thông từ sự minh bạch

Chỉ có sự minh bạch mới tạo được sự đồng thuận xã hội và một khi xã hội đồng thuận, thì việc của nhà đầu tư, doanh nghiệp là tìm kiếm cơ hội để tạo ra sản phẩm, giá trị mới cho xã hội.

1. Công việc rà soát, nghiên cứu hệ thống văn bản quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho tôi cơ hội nghe được nhiều chuyện khó kể của doanh nghiệp. Mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp than vãn về sự thay đổi quá nhanh của chính sách khiến việc kinh doanh khốn đốn. Đó là một doanh nghiệp sản xuất thuốc viên nén. Trước đây, Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp được sử dụng một dây chuyền để vừa sản xuất thuốc chữa bệnh, vừa sản xuất thực phẩm chức năng, miễn là cùng dạng viên nén.

Nhưng vài năm trước, Bộ Y tế ban hành quy định dây chuyền sản xuất thuốc không được dùng để sản xuất thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp buộc phải mua thêm một dây chuyền sản xuất viên nén mới để có thể tách riêng hai loại sản phẩm. Dây chuyền mới này cùng với diện tích nhà xưởng tăng thêm đã khiến doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng. Năm ngoái, Bộ Y tế sửa đổi quy định trở lại như trước đây, cho phép sử dụng một dây chuyền để sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng.

“Chính sách không khác gì cây tre trăm đốt, khắc nhập, khắc xuất. Mỗi lần như vậy là chúng tôi lại thiệt hại tiền tỷ”, lãnh đạo doanh nghiệp thở dài nói.

Những câu chuyện như vậy diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Rất nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh cho hàng chục năm, với nhiều kịch bản thị trường, đầu ra, đầu vào khác nhau, nhưng riêng kịch bản thay đổi chính sách là thứ mà họ rất khó tiên liệu.

Vừa mới khánh thành nhà máy thì Nhà nước tăng thuế; vừa mới thuê được đất thì tăng tiền thuê đất; vừa mới xây dựng nhà máy xong thì Nhà nước không cho nhập khẩu nguyên liệu nữa, vừa mới in ấn toàn bộ bao bì dùng cho cả năm thì Nhà nước đổi đầu số điện thoại…, đây là những câu chuyện tôi được nghe hàng ngày.

Không chỉ dừng lại ở trường hợp đơn lẻ, những khảo sát trên diện rộng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cũng cho thấy, độ ổn định chính sách của Việt Nam đang ngày càng suy giảm theo thời gian.

Chúng tôi đã hỏi doanh nghiệp: “Doanh nghiệp của bạn có thể dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn không?”. Doanh nghiệp có 5 sự lựa chọn: không bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, luôn luôn. Kết quả rất đáng báo động khi mà khả năng dự đoán thay đổi chính sách của doanh nghiệp giảm liên tục qua các năm. (Hình 1).

Mọi con đường sẽ hanh thông từ sự minh bạch ảnh 1

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được sự thay đổi của chính sách tăng liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên hoặc luôn luôn dự đoán được thay đổi của chính sách lại giảm liên tục. Không chỉ dự đoán thay đổi nội dung chính sách, việc dự đoán thực thi chính sách cũng giảm dần theo thời gian. (Hình 2).

Mọi con đường sẽ hanh thông từ sự minh bạch ảnh 2

Điều này cho thấy, rủi ro chính sách đang là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp.

2. Rủi ro chính sách có thể tác động không lớn đến những ngành thương mại, dịch vụ hoặc sản xuất giản đơn, đòi hỏi vốn đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn ngắn, hoặc những ngành ít chịu sự quản lý của Nhà nước. Do đó, tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn có thể đạt ở mức cao.

Nhưng rủi ro chính sách lại là điều rất đáng ngại đối với những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, hoặc chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, năng lượng, nước sạch.

Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng các loại hạ tầng của Việt Nam tăng đều đặn từ năm 2014 đến nay. Đây là kết quả của các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn trước đó. (Hình 3).

Mọi con đường sẽ hanh thông từ sự minh bạch ảnh 3

Vấn đề đặt ra là, trong vài năm qua, chúng ta không có công trình hạ tầng quan trọng nào được khởi công. Nguy cơ thiếu điện trong năm 2020 sắp đến gần. Hạ tầng giao thông đường bộ sắp quá tải. Giao thông hàng không thì hiện tượng quá tải tại một số sân bay lớn cũng đang diễn ra, mà việc đầu tư mới vẫn chậm tiến độ.

Trên thực tế, đầu tư hạ tầng của Việt Nam có xu hướng chững lại. Đầu tư công thì suy giảm do gánh nặng nợ công. Kể cả trường hợp có trong dự toán ngân sách thì khả năng giải ngân đầu tư công cũng suy giảm.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Chính phủ vào cuối năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch, dù năm 2019 có cải thiện hơn. Tỷ lệ giải ngân năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,82% và ước năm 2019 đạt 88% dự toán Quốc hội giao.

Đầu tư tư nhân cũng chững lại. Giai đoạn trước có một làn sóng đầu tư tư nhân vào hạ tầng đường bộ và nhà máy điện qua các hợp đồng BOT. Nguyên nhân của làn sóng đầu tư ồ ạt này một phần là do các lợi ích được hứa hẹn trong các hợp đồng BOT khá cao. Do đó, nhiều chủ đầu tư bỏ tiền bất chấp rủi ro chính sách cũng rất cao.

Tuy nhiên, khi các rủi ro của sự thay đổi chính sách ập đến, các khoản đầu tư tư nhân có nguy cơ thua lỗ thì dòng vốn đầu tư cũng chững lại.

Tất cả những nguyên nhân trên có thể khiến việc thiếu cơ sở hạ tầng trở thành điểm nghẽn lớn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn tới đây.

3. Trọng tâm điều hành kinh tế trong thời gian tới là giữ ổn định chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng. Để làm được điều này, việc hoàn thiện Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (Luật PPP) cần được làm nhanh và hiệu quả. Điều quan trọng nhất của Luật PPP là tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư về việc Việt Nam sẽ giữ ổn định chính sách trong suốt thời gian của dự án, có thể kéo dài đến 30 năm, bất kể có sự thay đổi nào về nhân sự trong chính quyền thì các hợp đồng cũng phải được tôn trọng. Để làm được điều này, bản thân hợp đồng PPP nên được minh bạch ngay từ khi ký kết.

Chỉ có sự minh bạch mới tạo được sự đồng thuận xã hội, và một khi xã hội đồng thuận thì các rủi ro chính sách sẽ không còn là nỗi lo ngại của nhà đầu tư. Tôi tin như vậy!

Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)
Tin bài liên quan