Mới có 61 nhà máy điện gió đáp ứng quy định đăng ký thử nghiệm trước 90 ngày

Mới có 61 nhà máy điện gió đáp ứng quy định đăng ký thử nghiệm trước 90 ngày

0:00 / 0:00
0:00
Theo EVN, đến ngày 22/7/2021 mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất là 3.487,8 MW có công văn đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm trước 90 ngày.

Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8.144,88 MW.

Căn cứ báo cáo của các chủ đầu tư, EVN đã vừa công bố thông tin cập nhật về tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án nhà máy điện gió đến thời điểm ngày 22/7/2021.

Theo đó, có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 611,33 MW đã vào vận hành thương mại và có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5.621,50 MW dự kiến sẽ tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 22/7/2021 mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất là 3.487,8 MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày.

Cũng có 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1.912,05 MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Trước đó vào ngày 24/6/2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã gửi văn bản tới 72 nhà máy điện gió hướng dẫn công tác thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) cho các nhà máy điện gió dự kiến đóng điện đến tháng 10/2021.

Do số lượng các nhà máy đăng ký thử nghiệm trong giai đoạn từ tháng 7- 10/2021 là rất lớn này, A0 đã đề nghị các nhà đầu tư tuân thủ một số vấn đề nhằm đảm bảo về tiến độ và chất lượng cho các thử nghiệm của các nhà máy có kế hoạch COD trước 31/10/2021.

Theo đó, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển vận hành và công ty mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm không muốn hơn 90 ngày làm việc trước ngày thử nghiệm công nhận COD.

Đơn vị phát điện phải đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với đơn vị điều độ liên quan không muộn hơn 03 ngày làm việc trước khi bắt đầu thử nghiệm.

Công tác thử nghiệm trước COD phải tuân thủ theo đúng các quy định tại Quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm (Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL, năm 2019) và Quy trình công nhận Ngày vận hành thương mại (Quyết định 746/QĐ-EVN, năm 2021).

Theo đó, A0 khuyến cáo các công ty tập trung nguồn lực và ưu tiên hoàn thiện 02 hạng mục thử nghiệm kỹ thuật cần để công nhận COD là thử nghiệm khả năng phát/nhận công suất phản kháng và thử nghiệm kết nối AGC.

Các thử nghiệm khác yêu cầu theo Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL sẽ được bố trí xen kẽ theo điều kiện hệ thống điện, không gây ảnh hưởng đến vận hành các nhà máy khác và mức độ khả dụng năng lượng sơ cấp cho phép.

A0 cũng yêu cầu các nhà máy cung cấp kế hoạch đóng điện, thử nghiệm sớm và bám sát nhất có thể theo tình hình thực tế của dự án. Trên cơ sở này A0 sẽ giải quyết lịch thử nghiệm theo nguyên tắc ưu tiên nhà máy đăng ký trước sẽ thực hiện thử nghiệm trước.

Ngoài ra, A0 đề nghị Công ty cung cấp biên bản thử nghiệm nội bộ để xác nhận và biên bản nghiệm thu Point-to-Point với đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Quy định yêu cầu kỹ thuật và quản lý vận hành hệ thống SCADA (Quyết định 55/QĐ-ĐTĐL, năm 2017).

A0 cũng lưu ý chủ đầu tư chỉ đăng ký thử nghiệm chính thức khi đã hoàn thành các công tác chuẩn bị nội bộ phía nhà máy, hạn chế tối đa việc thay đổi lịch thử nghiệm đã đăng ký và/hoặc thử nghiệm kéo dài/không thành công do việc bố trí thời gian thử nghiệm lại sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch thử nghiệm các nhà máy khác cũng như phương thức vận hành hệ thống điện an toàn ổn định và liên tục.

Cũng để kịp hoàn thiện các thủ tục, A0 đề nghị các chủ đầu tư nhà máy điện có trách nhiệm đăng ký thử nghiệm chính thức không muộn hơn ngày 20/10/2021.

Tin bài liên quan