Moderna: Vắc xin Covid-19 có thể chống lại biến thể delta

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (29/6), Moderna cho biết, trong một cuộc thử nghiệm, vắc xin Covid-19 của họ có khả năng chống lại các biến thể của Covid-19, bao gồm cả biến thể delta rất dễ lây lan lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ.
Moderna: Vắc xin Covid-19 có thể chống lại biến thể delta

Theo Moderna, vắc xin mRNA hai liều của Moderna đã tạo ra các kháng thể trung hòa chống lại biến thể delta cũng như biến thể beta và eta, các biến thể lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi và Nigeria.

Moderna cho biết, kết quả dựa trên huyết thanh của 8 người tham gia một tuần sau khi họ được tiêm liều vắc xin thứ hai. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng. Do đó, các kết quả có thể không phản ánh cách các vắc xin thực sự hoạt động trong các tình huống thực tế chống lại các biến thể.

“Chúng tôi vẫn cam kết nghiên cứu các biến thể mới xuất hiện, tạo dữ liệu và chia sẻ dữ liệu khi có sẵn. Những dữ liệu mới này đang khuyến khích và củng cố niềm tin của chúng tôi rằng vắc xin Moderna có thể duy trì khả năng bảo vệ khỏi các biến thể mới được phát hiện”, Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel cho biết trong một thông cáo báo chí.

Bản cập nhật của Moderna được đưa ra vài ngày sau khi các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện các biện pháp an toàn chống đại dịch khác vì phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và biến thể delta đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Biến thể delta hiện đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia và dự kiến ​​sẽ trở thành biến thể chiếm đa số trên toàn thế giới.

“Mọi người không thể cảm thấy an toàn chỉ vì họ đã tiên hai liều vắc xin. Họ vẫn cần phải tự bảo vệ mình”, Tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc WHO về quyền tiếp cận vắc xin và các sản phẩm sức khỏe cho biết trong một cuộc họp báo.

Các vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ như Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson đã chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19 và đặc biệt là chống lại bệnh nặng và tử vong.

Tuy nhiên, đối với một số biến thể bao gồm cả biến thể delta đã cho thấy vắc xin kém hiệu quả hơn một chút và các quan chức của WHO cho biết, họ lo lắng những người được tiêm chủng có thể trở thành một phần của chuỗi lây nhiễm.

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Sáu (25/6) rằng, khoảng một nửa số người lớn bị nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát biến thể delta ở Israel đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Pfizer, khiến chính phủ phải yêu cầu lại việc đeo khẩu trang và các biện pháp khác.

Tin bài liên quan