Thanh khoản thị trường trong phiên 22/6 đã sụt giảm khá mạnh

Thanh khoản thị trường trong phiên 22/6 đã sụt giảm khá mạnh

Mốc 600 điểm là thách thức lớn

(ĐTCK) Dòng tiền vào TTCK sau chuỗi ngày chảy mạnh kể từ cuối tháng 5 đã có dấu hiệu chững lại trong tuần qua và 2 phiên đầu tuần này. Những đợt sóng ngành, hay nhóm cổ phiếu không duy trì được lâu do chịu áp lực chốt lời ngắn hạn.

Trong tuần trước, dù thị trường tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp, nhưng đà tăng của nhiều mã cổ phiếu không còn bền vững, thậm chí, nhiều mã đã quay đầu giảm giá.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, VN-Index tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 590 điểm nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, chỉ số này sẽ chinh phục được mốc cản tâm lý quan trọng 600 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua (23/6), VN-Index lình xình trong biên độ hẹp, giảm 1,01 điểm (-0,17%), xuống 593,07 điểm, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,39%), xuống 86,75 điểm.

Dòng tiền bắt đầu rút dần ra khỏi thị trường và chủ yếu đứng ngoài quan sát, khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt chưa tới 100 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng, giảm hơn 31% về lượng và giảm 28% về giá trị so với phiên đầu tuần. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HNX cũng giảm hơn 12% so với phiên đầu tuần, đạt 40 triệu đơn vị, giá trị 467,8 tỷ đồng.

Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót tiền vào thị trường. Trong phiên giao dịch hôm qua, nếu loại trừ lượng bán thỏa thuận 8,5 triệu cổ phiếu VIC, với giá trị 430,9 tỷ đồng, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng khoảng 5,8 triệu đơn vị, giá trị mua ròng gần 130 tỷ đồng. Trong đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng, dầu khí vẫn đang được khối này tích cực mua vào.

Nhận định được đưa ra từ CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), trong thời gian tới, thị trường sẽ chịu áp lực bán và mốc 600 điểm vẫn là câu chuyện dài.

Theo IVS, phiên tăng mạnh vào đầu tuần (22/6) không để lại chút “dấu vết” nào trong phiên 23/6 khi lực cầu của thị trường tỏ ra khá yếu và không có trụ cột dẫn dắt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không tạo sức bật khi áp lực bán gia tăng trong khi sự nổi lên của nhóm dầu khí lại quá yếu. Câu hỏi đặt ra ở những phiên tới là nhóm cổ phiếu nào sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường? Đây thực sự là câu hỏi không dễ có câu trả lời vào lúc này và điều đó có thể khiến TTCK chịu thêm áp lực cho đến khi thông tin về kết quả kinh doanh quý II của các DN niêm yết dần được lộ diện.

Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đâu tư, CTCK MayBank KimEng (MBKE) cho rằng, sóng lợi nhuận quý II nếu có sẽ không quá mạnh. Thị trường hiện tập trung nhiều vào các thông tin kinh tế vĩ mô trên thế giới cũng như trong nước, như tương lai của Hy Lạp, chính sách của FED, giá xăng dầu, tỷ giá, lãi suất, Thông tư 74 sửa đổi về giao dịch T+0, rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, dòng tiền khối ngoại, người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực vào tháng 7...

Các thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trừ khi có sự đột biến, còn lại sẽ khó có tác động mạnh đến giá cổ phiếu. Đơn giản vì nhà đầu tư quan tâm đến triển vọng tương lai, trong khi báo cáo quý II là việc quá khứ. Mặc dù đây là một yếu tố để đánh giá triển vọng tương lai, nhưng những yếu tố vĩ mô trên sẽ tác động mạnh hơn đến dòng tiền chảy vào thị trường và vào doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Còn theo nhận định được đưa ra từ CTCK MB (MBS), xu thế thị trường trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào sự trở lại của dòng tiền. Chỉ số VN-Index được MBS nhận định chỉ điều chỉnh nhẹ sau khi tiến sát vùng kháng cự 595-600 điểm, trong khi HNX-Index vẫn tiếp tục dao động tích lũy trong vùng 86-87 điểm.

Tin bài liên quan