CTCK: Tài khoản mới không ngừng tăng
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, số tài khoản nhà đầu tư trên TTCK đạt gần 2.284.000 tài khoản, tăng hơn 12% so với năm 2018.
Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng chủ yếu với 99,4%, mức tăng trưởng lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân cũng cao hơn so với nhà đầu tư tổ chức. Để đạt được mục tiêu số lượng tài khoản chiếm 3% dân số như Đề án tái cấu trúc được Thủ tướng ban hành, yêu cầu đặt ra là từ nay đến cuối năm 2020, TTCK Việt Nam cần thu hút thêm 700.000 nhà đầu tư mới.
Chuyển động tại các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay cho thấy, số lượng tài khoản chứng khoán mở vẫn tăng, song số lượng tài khoản hoạt động thực tế (active) thì lại biến động theo xu hướng tăng/giảm của thị trường. Thực tế, lượng tài khoản active chỉ chiếm từ 20% đến 40% tùy từng thời điểm, thậm chí có nhiều thời điểm, số lượng tài khoản active bình quân trên thị trường chỉ đạt dưới 10%.
Ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc Dịch vụ giao dịch chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, mỗi tháng, VNDIRECT tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tài khoản mở mới, trong đó trên 80% số tài khoản này có phát sinh giao dịch ngay sau khi mở, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không rõ xu hướng, giao dịch của nhà đầu tư mới khá hạn chế. Dù vậy, các CTCK vẫn phải nỗ lực tìm các giải pháp để thu hút nhà đầu tư đến mở tài khoản.
Đối với nhà đầu tư, việc lựa chọn CTCK để giao dịch thường dựa trên 2 yếu tố chính. Thứ nhất là CTCK sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại, tối ưu cũng như liên tục phát triển các tính năng hữu dụng cho khách hàng. Thứ hai là có đội ngũ môi giới tư vấn khách hàng cá nhân giàu kinh nghiệm, thân thiện. Sự tận tâm với nghề và thân thiện trong kết nối là điểm quan trọng nhất quyết định nhà đầu tư đi bền với CTCK.
- Nguyễn Văn Trung, Nhà đầu tư tại Hà Nội
Tại VNDIRECT, Công ty áp dụng công cụ và quy trình thấu hiểu khách hàng (KYC - Know your client/customer), đây là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ chăm sóc khách hàng, nhằm nắm được nhu cầu thực tế trong từng thời điểm của thị trường đối với từng tệp khách hàng, từ đó đưa ra các chính sách sản phẩm, chính sách giá phù hợp tới đúng từng đối tượng.
Trong thời điểm TTCK chưa được sáng, VNDIRECT tư vấn khách hàng đầu tư dài hạn sử dụng các sản phẩm trái phiếu, chứng chỉ quỹ, sản phẩm tiết kiệm đầu tư với giá trị và lợi tức đã được Công ty nghiên cứu và thẩm định chặt chẽ. Với khách hàng giao dịch ngắn hạn, Công ty ra các sản phẩm hỗ trợ lãi suất và phí ở mức rất thấp, thậm chí miễn lãi đến 10 ngày để giảm chi phí tối đa cho khách hàng có tần suất giao dịch liên tục… Nói chung, đi bền với khách hàng là điểm VNDIRECT đang nỗ lực thực thi.
Tại Công ty Chứng khoán VPS, tận dụng sức mạnh của công nghệ, Công ty đã thu hút khách hàng bằng tính năng mở tài khoản giao dịch chứng khoán trong vòng 5 giây. Ngoài ra, ngay sau khi kích hoạt tài sản cơ sở, khách hàng có thể mở tài khoản phái sinh online trên hệ thống giao dịch trực tuyến của Công ty. VPS còn hỗ trợ miễn phí giao dịch phái sinh dài hạn cho khách hàng mở mới tài khoản phái sinh, miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở cho khách hàng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở (tài khoản thường - đuôi 1)…
Ngoài giao dịch trực tuyến qua web trade, VPS cung cấp các nền tảng giao dịch khác như ứng dụng SmartOne dành cho khách hàng giao dịch chứng khoán cơ sở hay SmartPro cho khách hàng phái sinh qua thiết bị di động thông minh. Thông qua hình thức này, số lượng tài khoản mở mới tại VPS tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thực tế việc phát triển, mở rộng khối lượng tài khoản chứng khoán là cần thiết, nhưng không quan trọng bằng việc tăng số lượng tài khoản active.
Đối với MBS, Công ty có nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư như nâng cao chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng, tối ưu hóa và nâng cấp công nghệ, tuy nhiên, MBS không “đi” theo hướng hạ thấp phí bằng mọi giá. MBS duy trì một biểu phí cạnh tranh so với các công ty tốp đầu, cung cấp giải pháp giao dịch và đầu tư toàn diện.
Việc bỏ sàn phí môi giới, theo đánh giá của MBS đang làm gia tăng áp lực cạnh tranh, chủ yếu với các công ty chứng khoán không có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, tư vấn nhưng đồng thời sẽ tạo sức ép để tất cả các CTCK cải tiến hoạt động. Về lâu dài, chính sách này sẽ đem lại lợi ích tốt hơn cho các nhà đầu tư, khuyển khích nhiều nhà đầu tư tham gia TTCK.
Một số CTCK nằm trong Top 10 thị phần môi giới quan niệm rằng, việc hỗ trợ, chăm sóc những khách hàng đang giao dịch cũ quan trọng hơn việc kêu gọi khách hàng mới mở tài khoản, bởi khi dịch vụ tốt, công nghệ hiện đại thì tự khách hàng sẽ tìm đến với mình.
Mấu chốt là thanh khoản
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ nêu mục tiêu, nguyên tắc và giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển.
Mục tiêu hàng đầu là tập trung cơ cấu lại toàn diện, đưa TTCK phát triển theo hướng cân đối, bền vững, hỗ trợ thiết thực cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp khá toàn diện trong đó, tăng tính thanh khoản của thị trường được coi là một trong những giải pháp quan trọng nằm trong nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức thị trường. Việc phát triển, mở rộng số lượng tài khoản là một trong nhiều nội dung phát triển thị trường.
Báo cáo của Bộ Tài chính về thị trường vốn cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, mức vốn hóa thị trường đạt 4,37 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2018, tương đương 79% GDP. Trên thị trường hiện có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 833 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân giảm so với bình quân năm 2018, đạt 4.472 tỷ đồng/phiên.
Theo quan điểm của ông Ngô Thế Hiếu, để TTCK hấp dẫn hơn, thị trường phái sinh phải phát triển hài hòa với thị trường cơ sở, thị trường vốn, từ đó phái sinh trở thành công cụ giúp quản trị rủi ro cho đầu tư chứng khoán trên thị trường cơ sở.
TTCK Việt Nam đang thu hút lượng vốn hàng chục tỷ USD từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài nên cần có những thay đổi và điều chỉnh về room nước ngoài đối với từng nhóm ngành, đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+0 trong giao dịch cổ phiếu, đáp ứng đủ nhu cầu giao dịch trên mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, sàn UPCoM với số lượng cổ phiếu lên gần nghìn mã cổ phiếu, nhu cầu giao dịch và đầu tư trên thị trường UPCoM đã lớn hơn rất nhiều, nên sàn này cần sớm được áp dụng chính sách margin trong giao dịch.
Để tăng thanh khoản, việc cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày được các CTCK cho là giải pháp tối ưu. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện nay, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong tổng thể gói công nghệ thông tin cùng với 2 Sở giao dịch chứng khoán, hạ tầng công nghệ sẽ ưu tiên xử lý để có thể sớm đưa cơ chế T+0 vào ứng dụng. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể vẫn chưa rõ ràng.