Cách nhìn của các ngân hàng với Mobile Money đã cởi mở hơn trước. Ảnh: Đức Thanh

Cách nhìn của các ngân hàng với Mobile Money đã cởi mở hơn trước. Ảnh: Đức Thanh

Mobile Money sắp được cấp phép: Tiền vẫn chảy về ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Không còn dè chừng như giai đoạn đầu, nhiều ngân hàng thậm chí còn mong chờ Mobile Money để mở rộng hệ sinh thái số.

Ngân hàng bình chân chờ hợp tác

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, việc ban hành cơ chế thí điểm về Mobile Money chưa hoàn tất do các bộ, ngành có một số ý kiến khác nhau. Song cơ quan này đang cố gắng để trình Chính phủ trong tháng 9 này. Nếu các bộ, ngành đạt được thống nhất, nhiều khả năng trong tháng 10/2020, cơ chế thí điểm Mobile Money sẽ được thông qua.

Trước đây, sự ra đời của Mobile Money khiến nhiều ngân hàng e dè. Tuy nhiên, hiện cái nhìn của ngân hàng với Mobile Money đã cởi mở hơn. Lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP cho rằng, họ coi Mobile Money là đối tác hơn là đối thủ.

“Ngân hàng không thể độc quyền trong mảng thanh toán, không thể làm tốt tất cả mọi thứ. Những gì fintech làm tốt, chúng tôi chọn con đường hợp tác, biến ứng dụng ngân hàng thành một ứng dụng có khả năng kết nối, liên thông tốt nhất với fintech. Với Mobile Money, chúng tôi cũng coi đây là đối tác, chứ không phải đối thủ”, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhận xét.

Theo lãnh đạo TPBank, Mobile Money chỉ phục vụ phân khúc thanh toán nhỏ lẻ, không được huy động hoặc cho vay, dòng tiền trong Mobile Money cuối cùng vẫn chảy về ngân hàng. Ngân hàng vẫn là định chế tài chính đặc biệt, có quyền nhận tiền gửi và cho vay hợp pháp, mà không định chế tài chính nào có được

Điểm khác biệt của Mobile Money so với các ví điện tử khác là không phải liên kết với ngân hàng. Tuy nhiên, chủ thuê bao phải nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ tài khoản ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch của nhà mạng. Dòng tiền này nhà mạng phải ký quỹ theo tỷ lệ 1:1 trong ngân hàng. Như vậy, về bản chất, nguồn tiền từ Mobile Money cuối cùng vẫn chảy về các nhà băng. Nói cách khác, ngân hàng sẽ hưởng nhiều lợi ích khi Mobile Money phát triển.

Hiện các ứng viên sáng giá nhất của Mobile Money là Viettel và VNPT. Mới đây, công ty con của Viettel là Unitel đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Lào được Ngân hàng Trung ương Lào cấp giấy phép chính thức triển khai Mobile Money.

Thêm lựa chọn cho người dùng

Với sự ra mắt của Mobile Money, bức tranh thị phần của thị trường thanh toán được phân chia ngày càng rõ giữa ngân hàng, ví điện tử và Mobile Money. Trong đó, sự cạnh tranh diễn ra giữa các đối thủ cùng phân khúc, hơn là các đối thủ khác phân khúc. Thậm chí, ngân hàng sẽ còn ráo riết bắt tay với các đối tác của phân khúc khác (ví điện tử, Mobile Money) để làm giàu hệ sinh thái, hơn là lo ngại cạnh tranh.

Nhiều ngân hàng lo sợ thị phần sẽ bị ảnh hưởng bởi Mobile Money. Thực tế, tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money không khác nhau về đặc tính kỹ thuật, song điểm khác biệt là tài khoản Mobile Money chỉ là tài khoản thanh toán có giá trị nhỏ. Ngoài ra, các nhà mạng không phải là định chế tài chính, nên tiền nạp vào Mobile Money không được cho vay, mà phải nộp vào tài khoản ngân hàng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV khẳng định, nếu cách đây 5 năm, nhiều ngân hàng coi fintech là đối thủ, thì hiện hầu như không ngân hàng nào có cách nhìn đó nữa. Việc xây dựng hệ sinh thái số ngày càng quan trọng. Ngân hàng không thể đủ năng lực, linh hoạt hay chú trọng vào một ngành hẹp như fintech. Một ngân hàng truyền thống không thể ra quyết định nhanh như fintech và cũng không đủ nguồn lực để tập trung ở một ngành hẹp nào đó.

“Chuyện hợp tác giữa ngân hàng và fintech mang quan hệ biện chứng. Về lợi ích, khi hợp tác với fintech, ngân hàng không thiệt nhiều. Trước đây, khi không hợp tác, có thể miếng bánh rời rạc, mỗi đơn vị phát triển một phần. Nhưng khi hợp tác chặt chẽ, thì miếng bánh có thể lớn lên gấp nhiều lần, số chia tương đối giảm đi, số tuyệt đối lại tăng lên rất nhiều”, ông Thắng khẳng định.

Tuy khó có thể phát triển bùng nổ bởi ra đời khá muộn, khi hệ thống ngân hàng và ví điện tử ở Việt Nam đã phát triển bùng nổ, song Mobile Money xuất hiện sẽ bù đắp được khoảng trống thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. “Việc ra đời tài khoản Mobile Money bên cạnh ví điện tử, tài khoản ngân hàng... sẽ tạo ra hệ thống tài khoản đa cấp độ, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện”, ông Phạm Tiến Dũng nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, sự ra đời của Mobile Money càng trở nên cần thiết. Tuy vậy, việc chuẩn bị kỹ càng về hành lang pháp lý trước khi thí điểm cũng rất cần thiết, không chỉ bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, mà còn phải bảo vệ người dùng.

Ngoài quản lý dòng tiền, vấn đề mà cơ quan quản lý lo ngại nhất khi thí điểm Mobile Money là các hành vi lợi dụng lừa đảo, tấn công tài chính. Thực tế, tại nhiều quốc gia như Nigeria, rất nhiều người dân nông thôn - vốn có hiểu biết hạn chế về tài chính - đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua Mobile Money.

Được biết, cả nước hiện có 125 triệu thuê bao di động, song không phải mọi chủ thuê bao đều đáp ứng đầy đủ điều kiện về xác thực danh tính để có thể đăng ký tài khoản Mobile Money. Chưa kể, muốn khuyến khích người dùng đăng ký Mobile Money, nhà mạng cũng sẽ phải chi lượng kinh phí khuyến mãi không nhỏ.

Tin bài liên quan