Thông tin trên đã được ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile - Money tại Việt Nam” diễn ra ngày 11/5.
Cụ thể, ông Dũng cho biết, đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile - Money là hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Đến cuối tháng 3/2022, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó, số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán được thiết lập đến cuối tháng 3/2022 là hơn 12.800 đơn vị, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục… Đến cuối tháng 3/2022, tổng số lượng giao dịch bằng dịch vụ Mobile - Money đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
“Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile - Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng (unbanked/underbanked), đã và đang đi vào cuộc sống”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone cho biết, Mobile Money được triển khai vào thời điểm tại Việt Nam mức độ thâm nhập thuê bao di động khá cao, theo thống kê hiện khoảng 123 triệu thuê bao/98,8 triệu dân.
Tuy nhiên, bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng, ở Việt Nam triển khai Mobile Money chậm hơn thế giới khoảng 20 năm và thời điểm vàng triển khai Mobile Money đã qua.
“Cách đây 20 năm, số lượng người sử dụng ngân hàng rất ít và với lợi thế của di động, cung cấp dịch vụ Mobile Money mới là thời điểm vàng. Tại thời điểm này, khi nền công nghệ phát triển, các Ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số rất mạnh, điều này cạnh tranh rất lớn với Mobile Money, liệu Mobile Money còn có cơ hội?”, bà Tú đặt vấn đề.
Ông Tấn cũng thể hiện sự trăn trở khi cho biết, trong việc phát triển khách hàng, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money là rất chặt chẽ khi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như KYC chính xác khách hàng, chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Đồng thời, số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
“Thực tế tại VNPT, tính đến tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ nhưng không thành công do không đáp ứng các yêu cầu trên tại VNPT - Media là 156.351 người, chiếm 30%/tổng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ (các nguyên nhân không thành công là do áp dụng công nghệ AI, Big data, do thay đổi CCCD, do không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng dịch vụ liên tục trong ít nhất 3 tháng…)”, ông Tấn nói.
Ngoài ra, câu chuyện hạn mức sử dụng thấp hơn (10 triệu đồng/tháng) so với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử hay tại các khu vực vùng sâu, vùng xa số lượng các doanh nghiệp phù hợp, đáp ứng các tiêu chí để trở thành điểm kinh doanh Mobile Money là khá thấp, trong khi dự kiến phí thu được từ dịch vụ là không cao, khó đủ bù đắp chi phí ban đầu nên các doanh nghiệp không mặn mà với việc trở thành điểm kinh doanh Mobile Money…
Bà My thừa nhận: “Chúng ta đang có 13,5% tổng lượng giao dịch trên thị trường dùng tiền mặt nhưng lại chiếm tới hơn 80% số lượng giao dịch. Điều này chứng tỏ giao dịch tiền mặt tại Việt Nam rất nhiều và đa phần là giao dịch nhỏ lẻ - đây là đối tượng chính của Mobile Money. Do đó, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Mảnh đất mầu mỡ ngân hàng đã cày xới hết. Đó là những khó khăn mà những đơn vị triển khai Mobile Money cần phải đối mặt”.
Ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel đề xuất, đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động. Để tiền di động vừa là phương thức, vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân; kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống.
Đồng thời, đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước; hướng tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích.
Song song với đó, Ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, từ đó, mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số.
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân và việc bắt đầu triển khai thí điểm Mobile Money chính là một trong những bước đi quan trọng nhất, đóng vai trò kéo gần khoảng cách giữa các đối tượng trong xã hội, nối liền và thúc đẩy dòng chảy giao thương trên cả nước. Hành trình này mới chỉ vừa bắt đầu và nỗ lực phối hợp từ tất cả các Bộ, ban ngành, các đơn vị có liên quan, sẽ là lời giải cho sự bùng nổ kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Việt nói.