Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mobile Money, kinh nghiệm thế giới nào phù hợp với Việt Nam?

(ĐTCK) Trong kỳ họp thường kỳ tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cho doanh nghiệp viễn thông thí điểm dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money). Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn đề cập đến các quy định quản lý và sự phát triển Mobile Money của 3 quốc gia cùng các hàm ý chính sách rút ra từ kinh nghiệm của các nước này.

Kenya: Bùng nổ và phát triển mạnh

Theo một báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Kenya là quốc gia có GDP thấp (87,91 tỷ USD) và tỷ lệ người sử dụng Internet cũng rất thấp (17,8%), nên việc tiếp cận dịch vụ tài chính như ngân hàng điện tử… gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, người dân Kenya không có yêu cầu đa dạng về chức năng đối với việc thanh toán, mà mục đích chính của họ là chuyển/nhận tiền từ thành thị về quê nhà.

Vì vậy, dịch vụ Mobile Money (M-Pesa) ra đời đã đáp ứng được nhu cầu này, đồng thời giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch so với các dịch vụ truyền thống của ngân hàng.

Tại thời điểm M-Pesa ra mắt, không có khung pháp lý chính thức cho dịch vụ này và đến năm 2010 mới được ban hành.

Để giải quyết vấn đề về định danh khách hàng, theo quy định, các nhà mạng phải đăng ký và thẩm định thông tin của tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ của M-Pesa. Theo đó, khách hàng cần cung cấp giấy tờ tùy thân như thẻ công dân hay hộ chiếu cá nhân được Chính phủ Kenya cấp.

Về cơ bản, tất cả người dân Kenya đều có thẻ công dân, nên thủ tục đăng ký thanh toán qua di động trở nên đơn giản. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi về tài sản của khách hàng, đồng thời phòng chống các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố, Ngân hàng Trung ương Kenya yêu cầu M-Pesa phải thành lập quỹ tín thác (Trust Fund) dưới sự giám sát, kiểm tra của cơ quan này (nhưng không can thiệp thêm vào bất kỳ hoạt động nào của M-Pesa).

Sau khi phát triển đến một mức độ nhất định, các quy định pháp lý của dịch vụ này dần được thắt chặt hơn, thay vì nới lỏng như ban đầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ này vẫn tăng đáng kể qua các năm, điều này cho thấy dịch vụ Mobile Money là rất quan trọng với người dân Kenya.

Các ngân hàng thay vì là đối thủ cạnh tranh đã chuyển sang hợp tác và trở thành đối tác của M-Pesa. Nhìn chung, sự bùng nổ và phát triển của dịch vụ thanh toán qua di động tại Kenya theo khuynh hướng tương hỗ giữa các bên liên quan: Nhà mạng, ngân hàng và khách hàng.

Philipines: Bùng nổ, nhưng không ổn định

Philippines là quốc gia có tỷ lệ người không sở hữu tài khoản ngân hàng thấp, địa hình bị chia cắt bởi nhiều đảo nên gây khó khăn cho việc thành lập các chi nhánh ngân hàng trên toàn quốc. Sự phát triển của điện thoại đi động là cơ hội giúp dịch vụ Mobile Money có cơ hội bứt phá tại quốc gia này.

Thực tế, việc phát triển Mobile Money gặp một số khó khăn. Philippines bị liệt kê vào danh sách xếp hạng rủi ro cao về tài trợ khủng bố cần theo dõi (năm 2001), dẫn đến khung pháp lý cho dịch vụ Mobile Money chặt chẽ hơn. Khách hàng phải đến đăng ký trực tiếp và xuất trình giấy tờ tuỳ thân có dán ảnh hợp lệ.

Các nhà mạng và ngân hàng phải lưu trữ tất cả dữ liệu giao dịch trong vòng 5 năm và báo cáo các giao dịch nghi ngờ là rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố theo định mức.

Qua từng năm, định mức này tăng dần, từ hơn 4.000.000 peso/tài khoản/giao dịch năm 2001 lên hơn 500.000 peso/tài khoản/giao dịch năm 2017.

Những đại lý nếu muốn thực hiện chức năng nạp/rút tiền phải có giấy phép chuyển tiền và hoàn thành khóa học tập huấn về quy định pháp lý chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Những quy định quá khắt khe khiến dịch vụ thanh toán qua di động bị trì trệ trong nhiều năm. Năm 2017, khung pháp lý được điều chỉnh có lợi hơn cho khách hàng.

Theo đó, thay vì chia thành 4 loại định mức như trước, thì hiện tại chỉ còn 2 loại định mức là giới hạn chuyển tiền hàng ngày và giới hạn số tiền trong mỗi lần giao dịch (SMART Money), định mức chuyển tiền hàng tháng (GCash).

Có thể thấy rằng, khung pháp lý đối với dịch vụ Mobile Money tại Philippines ban đầu là siết chặt với các quy định chặt chẽ, nhưng vẫn kết hợp mô hình thử nghiệm và học hỏi (Test and Learn), sau đó có các điều chỉnh với mục đích duy trì sự ổn định và mang đến lợi ích cho khách hàng cũng như các bên liên quan mà vẫn đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro.

Indonesia: Chậm ở giai đoạn đầu, tăng tốc ở giai đoạn sau

Indonesia có nhiều nét tương đồng với Philippines về mặt địa lý khi địa hình bị chia cắt bởi hơn 13.000 hòn đảo, nên người dân sống tại những hòn đảo xa không có điều kiện để tiếp cận dịch vụ tài chính của ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Indonesia, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ người trưởng thành sở hữu nhiều hơn một tài khoản di động. Điều này tạo kỳ vọng giúp Mobile Money nhanh chóng phát triển, nhưng thực tế là không dễ dàng.

Đối với việc định danh khách hàng, khách hàng phải trực tiếp cung cấp giấy tờ định danh do Chính phủ Indonesia ban hành, nhưng vì nhiều người trong số họ là người di cư từ quốc gia khác và không muốn từ bỏ giấy tờ tại quê nhà, nên Chính phủ Indonesia từ chối cấp giấy tờ định danh.

Về giá trị giao dịch, trong trường hợp giao dịch vượt quá 100.000.000 rupi/tổng giao dịch (năm 2006) và được điều chỉnh thành 500.000.000 rupi hoặc với số tiền ngoại tệ có giá trị tương đương cho mỗi lần hay tổng các lần giao dịch, các nhà mạng phải báo cáo cho Cơ quan tình báo tài chính Indonesia (Indonesian Financial Intelligence Unit - PPATK).

Đến tháng 9/2017, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã ban hành khung pháp lý mới và phân chia định danh theo mức độ rủi ro của khách hàng. Các cá nhân không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ vẫn có thể mở tài khoản bằng một tấm hình và thư giới thiệu từ địa phương nếu họ được đánh giá thuộc nhóm ít rủi ro.

Nhìn chung, Indonesia siết chặt quản lý dịch vụ Mobile Money trong nhiều năm đầu và chỉ cởi mở hơn trong 2 năm gần đây nhằm thu hút người dùng. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Indonesia cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức về việc cho phép các nhà mạng toàn quyền kiểm soát các hoạt động giao dịch.

Có thể thấy rằng, Indonesia có khuynh hướng đưa ra các quy định chặt chẽ nhằm ổn định thị trường thanh toán cho đến khi các hoạt động đi vào khuôn khổ thì mới bắt đầu điều tiết nhằm thu hút khách hàng để phát triển thị trường, tức là “chậm ở giai đoạn đầu, tăng tốc ở giai đoạn sau”.

Thực tiễn tại Việt Nam

Dữ liệu Global Findex của WB cho thấy, tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng dịch vụ Mobile Money (sử dụng điện thoại di động để nhận tiền và thanh toán) tuy có tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình thấp và bình quân chung toàn thế giới.

Mobile Money, kinh nghiệm thế giới nào phù hợp với Việt Nam?  ảnh 1

Đối với các giao dịch thanh toán số, tỷ lệ cũng thấp hơn so với mức bình quân chung toàn thế giới, nhưng lại cao hơn so với các nước có thu nhập trung bình thấp.

Thực tế trên phản ánh sự phát triển của mạng di động và Internet tại Việt Nam so với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và cũng thể hiện cho xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Đây là cơ sở thuận lợi để có thể phát triển dịch vụ thanh toán qua tài khoản viễn thông, cũng như phát triển Mobile Money, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam.

Về mặt pháp lý, hiện tại, các quy định liên quan đến thanh toán di động của Việt Nam được quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 và dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2019; thanh toán thẻ qua mã phản hồi nhanh quy định tại Thông tư số 26/2017/TT và Nghị định 10/VBHN/NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các quy định pháp luật đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Mobile Money.

Các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan có liên quan cần tạo môi trường cho thị trường Mobile Money phát triển, nhưng cũng cần có các biện pháp kiểm soát cần thiết.

Mặt khác, tuy việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Mobile Money là mục tiêu cuối cùng, nhưng các cơ quan quản lý cũng cần hiểu rõ bản chất phát triển của thị trường này để đưa ra các quy định phù hợp.

Các chính sách không phù hợp có thể gây bất lợi ở giai đoạn đầu, nhưng việc thiếu quy định cần thiết vào đúng thời điểm có thể gây hại cho tương lai của ngành. Mỗi giai đoạn sẽ đại diện cho một vị thế khác nhau của các cơ quan quản lý trong việc tìm ra thách thức và tồn tại của thị trường Mobile Money, một số gợi ý được đưa ra như sau:

- Giai đoạn đầu: Đây là thời điểm nhà cung cấp đưa ra và thử nghiệm các sản phẩm để tìm kiếm thành công ban đầu. Ở giai đoạn này, các cơ quan quản lý cần phải đảm bảo sự cân bằng, với các quy định sao cho vừa hỗ trợ nhà cung cấp, vừa bảo vệ được người tiêu dùng.

- Giai đoạn bùng nổ: Đây là thời điểm nhà cung cấp đã thu hút được một lượng người dùng nhất định và mở rộng thị trường. Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý nên theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường.

- Giai đoạn củng cố: Đây là thời điểm nhà cung cấp dịch vụ đã phát triển ở một quy mô lớn hơn và cơ sở khách hàng tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Ở giai đoạn này, các quy định cần phải được tinh chỉnh theo xu hướng thị trường.

- Giai đoạn trưởng thành: Đây là thời điểm số lượng các công ty trong ngành và các quy định đối với các hoạt động của nhà cung cấp đã được thiết lập, thị trường tăng trưởng với tốc độ ổn định. Lúc này, cơ quan quản lý cần đảm bảo sự an toàn trên thị trường.

Tin bài liên quan