Mobile Money sẽ cung cấp thêm một hình thức thanh toán không tiền mặt phù hợp với các khoản chi tiêu giá trị thấp. Ảnh: Dũng Minh.

Mobile Money sẽ cung cấp thêm một hình thức thanh toán không tiền mặt phù hợp với các khoản chi tiêu giá trị thấp. Ảnh: Dũng Minh.

Mobile Money, “bệ đỡ” thúc đẩy thanh toán điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian tới, người dân sẽ có thêm một lựa chọn nữa cho nhu cầu thanh toán của mình, đó là “Mobile Money”.

Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển thần tốc của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu cách đây khoảng 4-5 năm người dân mới quen thuộc với thanh toán bằng thẻ ngân hàng, Internet Banking và phần đông còn chưa biết đến ví điện tử, thì bây giờ ví điện tử đã trở nên then thuộc, đặc biệt là những người dân có thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng cho các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày (chuyển khoản, mua sắm, thanh toán hóa đơn…). Và sự xuất hiện của Mobile Money giúp người dân có thêm một công cụ thanh toán nữa.

Mobile Money có phải là ví điện tử?

Giống như các phương tiện thanh toán khác, Mobile Money ban đầu được tạo ra như một giải pháp cho phép các người dùng trong cùng một mạng lưới dịch vụ gửi và nhận tiền với nhau.

Người dùng đăng ký thuê bao di động, thiết lập tài khoản “tiền điện tử” với nhà cung cấp dịch vụ (thường là nhà khai thác mạng di động, các công ty viễn thông có hợp tác chính thức với một hoặc nhiều ngân hàng) và gửi tiền mặt để đổi lấy “tiền điện tử”.

Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định được ban hành chính thức về khái niệm thế nào là Mobile Money. Hiểu một cách đơn giản theo tính ứng dụng thì tài khoản Mobile Money là tài khoản viễn thông sử dụng cho mục đích thanh toán các hàng hóa, dịch vụ.

Theo dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money, điểm khác biệt lớn nhất giữa Mobile Money và ví điện tử là không bắt buộc phải liên kết tài khoản ngân hàng với tài khoản Mobile Money để sử dụng. Việc nạp tài khoản có thể được thực hiện trực tiếp tại các đại lý của doanh nghiệp viễn thông, giúp mang Mobile Money đến khắp các ngóc ngách tại khắp các tỉnh, thành phố.

Mobile Money đã không còn xa lạ trên thế giới

Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), đến cuối năm 2019, Mobile Money đã hiện diện tại 95 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có 1,04 tỷ tài khoản đã được đăng ký và số lượng tài khoản duy trì hoạt động là 372 triệu. Số lượng giao dịch bình quân trong cả năm 2019 qua kênh Mobile Money đạt 37,1 tỷ giao dịch, với tổng giá trị giao dịch lên đến 690,1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các tổ chức nghiên cứu thị trường tiền tệ, dự kiến quy mô thị trường Mobile Money có thể đạt 12 tỷ USD vào năm 2024, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 28,7%.

Mức độ phủ sóng của dịch vụ viễn thông cùng số lượng thuê bao di động ngày càng gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng vững chắc của thị trường Mobile Money.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ tăng trưởng Mobile Money cao nhất thế giới trong năm 2019 với 158 triệu tài khoản, trong đó có 60 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên, cao hơn hơn 29% so với năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch Mobile Money tăng lần lượt 53% và 41,5% so với năm 2018.

Các yếu tố như dân số đông, đi kèm với tăng trưởng về số lượng người sử dụng thuê bao di động và sự năng động trong thị trường công nghệ tài chính góp phần thúc đẩy khu vực này trở thành thị trường Mobile Money lớn nhất trong tương lai.

Tiềm năng khai phá tại Việt Nam

Dư địa phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn rất lớn và Mobile Money không phải là ngoại lệ.

Theo Tổng cục Thống kê, tính tới thời điểm hiện tại, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc, tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại di động cao (đến hơn 90%, tương đương 129,5 triệu thuê bao), trong đó khoảng 40-50% thuê bao di động ở Việt Nam không sử dụng điện thoại thông minh cũng như băng thông rộng 3G/4G.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2019, gần 40% dân số trên 15 tuổi vẫn chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi mà mạng lưới của các ngân hàng chưa “chạm” tới, người dân vẫn sử dụng tiền mặt để thực hiện phần lớn các giao dịch có giá trị nhỏ.

Đây chính là những đối tượng khách hàng mục tiêu có thể dẫn dắt thị trường Mobile Money phát triển, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông đưa các dịch vụ tài chính tới người dân trên khắp mọi miền đất nước.

Theo khảo sát mới nhất về hành vi khách hàng của EY trên toàn cầu (báo cáo Future Consumer Index), 76% người được khảo sát khẳng định rằng họ sẽ thay đổi hành vi mua sắm vì đại dịch Covid-19, trong đó 44% sẽ mua đồ tiêu dùng online nhiều hơn.

Liên quan đến thanh toán không tiền mặt, 62% khách hàng được khảo sát cho biết họ đang sử dụng tiền mặt ngày càng ít hơn. Covid vô tình lại thành động lực lớn và thiết thực cho chuyển đổi số, bao gồm cả thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Việt Nam, dù kiểm soát dịch tốt hơn đa phần các quốc gia khác, nhưng với những người dân đã dần hình thành thói quen cẩn trọng trong vệ sinh phòng dịch bệnh thì thanh toán không tiếp xúc cũng là xu hướng, nơi mà Mobile Money sẽ là yếu tố không thể thiếu đồng hành cùng người dân trong xu hướng này.

“Sứ mệnh” của Mobile Money

Nếu Internet Banking và ví điện tử đã quen thuộc với người dân thành phố lớn, thì dường như ở nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa của tổ quốc, thanh toán không tiền mặt hay đơn giản là tài khoản ngân hàng vẫn là thứ lạ lẫm, “phức tạp” với người dân.

Mobile Money không đơn thuần chỉ là một phương tiện thanh toán không tiền mặt, đó là một phương tiện thanh toán tiền mặt “giản đơn”, gắn liền với cái mà người dân khắp nơi lâu nay thường sử dụng, đó là số điện thoại của mình.

Sứ mệnh của Mobile Money là giúp thay đổi thói quen dùng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam.

Sứ mệnh của Mobile Money do vậy sẽ không chỉ đơn thuần làm phong phú thêm danh mục phương thức thanh toán không tiền mặt để người dân lựa chọn.

Sứ mệnh của Mobile Money là giúp thay đổi thói quen dùng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam, đồng thời lấp đầy khoảng trống trong thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân còn lạ lẫm với tài khoản ngân hàng.

Mobile Money sẽ góp phần phổ cập tài chính toàn diện tới cho người dân, thông qua việc cung cấp cho khách hàng một kênh thanh toán “lạ mà quen”, thuận tiện và an toàn.

Ngoài ra, mô hình Mobile Money đã được triển khai trên thế giới, điển hình như M-PESA tại Kenya, đã góp phần tiết kiệm chi phí mà người dùng phải trả so với các dịch vụ thanh toán khác, cũng như giảm thiểu rủi ro xảy ra trộm cắp do người dân cất giữ ít tiền mặt tại nhà.

Thách thức nào đang chờ đợi các nhà mạng?

Thách thức lớn nhất là định danh, xác thực khách hàng để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận. Việc này đòi hỏi các nhà mạng phải xử lý triệt để được vấn đề sim rác đã tồn tại bấy lâu nay.

Thách thức tiếp theo là sự cạnh tranh với mạng lưới ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra hướng dẫn về dịch vụ ngân hàng đại lý.

Ngân hàng có thể được phép giao cho đại lý cung ứng một phần các dịch vụ như thanh toán, nộp và rút tiền mặt, thanh toán hóa đơn…

Những đại lý này sẽ tiếp giúp người dân chưa có tài khoản ngân hàng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng mà không cần phải thành lập phòng giao dịch/chi nhánh mới.

Nếu hệ thống ngân hàng đại lý được cấp phép, mạng lưới của ngân hàng sẽ mở rộng hơn và cạnh tranh khốc liệt với Mobile Money.

Ngoài ra, việc áp dụng các hình thức định danh điện tử (eKYC) cũng sẽ giúp các ngân hàng xóa nhòa rào cản về địa lý và cung cấp dịch vụ tới khách hàng trên môi trường số. Độ phủ sóng của ngân hàng sẽ ngày càng sâu rộng hơn, tăng thêm tính cạnh tranh mà các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ phải đương đầu.

Tin bài liên quan