MobiFone có kế hoạch phát triển hơn 100 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trong năm đầu tiên tham gia thị trường bán lẻ
Tại sao MobiFone mở hệ thống bán lẻ?
Những năm qua, trong thương vụ phân phối iPhone về Việt Nam không có tên MobiFone, mà chỉ có Viettel, FPT và VinaPhone. Nguyên nhân là do hệ thống phân phối của MobiFone lúc đó phụ thuộc vào VNPT và
VinaPhone. Sau khi chia tách, VinaPhone, MobiFone buộc phải xây dựng lại hệ thống bán hàng của mình.
Xu hướng bán smartphone kèm hợp đồng 2 năm buộc khách hàng sử dụng duy nhất một nhà mạng áp dụng cho iPhone đã được AT&T thực hiện nhiều năm nay ở Mỹ và sau đó đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều smartphone. Việc bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng đã tạo ra một thứ “quyền lực” cho nhà mạng cung cấp.
Trên góc độ cạnh tranh giữa các nhà mạng, ngoài việc tạo sự cạnh tranh về giá bán, giá thiết bị đầu cuối,
MobiFone có thể áp dụng các gói cước, chế độ ưu đãi với khách hàng mua những sản phẩm đầu cuối. Thậm chí, MobiFone có thể đưa ra các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi đối với những thiết bị đầu cuối khi bán cho khách hàng.
Việc bán hàng sẽ thông qua hệ thống website MobiFone, hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng 18001090 và các dịch vụ khác của
MobiFone để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, như tiếp thị, khuyến mại, bán hàng trực tuyến (online), tư vấn chăm sóc khách hàng mua các sản phẩm thiết bị đầu cuối.
Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, với việc triển khai và vận hành chuỗi bán lẻ đầu tiên, MobiFone đang từng bước hiện thực hóa chiến lược kinh doanh mới của mình. Bên cạnh việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh về mức giá các thiết bị công nghệ, MobiFone sẽ tiến hành áp dụng các gói cước với mức ưu đãi tối đa cho khách hàng khi mua sản phẩm đầu cuối. Đồng thời,
MobiFone tiếp tục tăng cường phát triển dịch vụ tiến đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách chủ động và trọn vẹn nhất.
Theo kế hoạch, MobiFone sẽ phát triển hơn 100 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trong năm đầu tiên và sẽ tiếp tục mở rộng thêm.
MobiFone còn “cửa thắng”?
Trong khi MobiFone mới bắt đầu khởi động và đưa ra những mục tiêu khiêm tốn, thì các đối thủ của MobiFone đã sải những bước chân rất dài. Hiện Viettel đã xây dựng được chuỗi bán lẻ 282 cửa hàng Viettel Store trên toàn quốc. Ngoài các nhà mạng, đối thủ của MobiFone còn là các nhà phân phối sản phẩm công nghệ như Thế giới Di động với hơn 500 siêu thị và FPT Shop với 238 cửa hàng trên toàn quốc.
Trong khi đó, “người anh em” của MobiFone là
VinaPhone sau khi thành lập Tổng công ty và tăng lượng nhân viên kinh doanh lên 15.000 người cũng đang xây dựng chuỗi phòng bán hàng trên khắp cả nước… Chưa rõ VinaPhone sẽ xây dựng chuỗi bán hàng theo chiến lược nào, nhưng chắc chắn, cả VinaPhone và MobiFone sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với các đối thủ trên thị trường.
Trong “cuộc chiến” này, nhiều đại gia đã từng trượt ngã. Năm 2009, VNPT đã rầm rộ khai trương chuỗi cửa hàng VNPT 5G. Những người đứng đầu hệ thống VNPT 5G từng kỳ vọng mang đến cho khách hàng một hệ sinh thái mới từ việc cung cấp dịch vụ di động, thiết bị đầu cuối và các dịch vụ gia tăng... Sau đó, hệ thống 5G của VNPT với hai màu chủ đạo vàng, xanh xuất hiện và ở các điểm giao dịch của VNPT. Nhưng chẳng lâu sau, chuỗi trưng bày lặng lẽ biến mất và cái tên VNPT 5G cũng mất hút trên thị trường.
Rộng hơn một chút, thị trường bán lẻ công nghệ - điện máy cũng có sự cạnh tranh rất khốc liệt và trong vòng 5 năm qua, đã có 5 hệ thống siêu thị điện máy - công nghệ đã phải rời sân chơi, đó là Topcare (đầu năm 2015), WonderBuy (năm 2011), Best Carings (năm 2012), HomeOne (năm 2013) và Việt Long (năm 2014).
Để có thể thành công trong cuộc chiến mới này, “tân binh” như MobiFone phải có chiến lược kinh doanh khác biệt so với các đối thủ. Nhưng dường như đến nay, người ta vẫn chưa thấy điểm nổi trội, thu hút khách hàng của MobiFone so hơn Viettel, FPT, Thế giới Di động…