Mở TTCK Campuchia, áp lực cạnh tranh mới

Mở TTCK Campuchia, áp lực cạnh tranh mới

(ĐTCK) Cách TP. HCM 230 km, trong những ngày này, Pnom Penh nhận được sự quan tâm của không ít NĐT Việt. Bởi lẽ, sau nhiều lần trì hoãn, Sở GDCK Campuchia (CSX) chính thức mở cửa phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 18/4.

 

Diện mạo CSX

CSX áp dụng phương thức thanh toán T+2, đơn vị giao dịch tối thiểu là 1 cổ phiếu, mỗi phiên giao dịch kéo dài từ 8h tới 11h30, số lượng các CTCK được giới hạn ngay ban đầu ở con số 15.

Hiện tại, NĐT chỉ có thể đặt lệnh trực tiếp tại CTCK, qua điện thoại, fax hay email, mà chưa thể giao dịch trực tuyến. CSX cũng chưa cho phép khớp lệnh liên tục, mới chỉ thực hiện hình thức khớp lệnh định kỳ, vào lúc 9h và 11h30 mỗi phiên.

Trong ngày khai trương, CSX có duy nhất cổ phiếu của Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPWSA) chào sàn, công ty này vừa kết thúc IPO cách đây 2 tuần.

Tại TTCK Campuchia, quá trình IPO gắn liền với niêm yết ngay sau đó, giá trung bình khi IPO sẽ trở thành giá tham chiếu cho cổ phiếu niêm yết vào phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, CSX sẽ áp dụng biên độ lệch với mức giá chào sàn của cổ phiếu dao động từ 90% đến 150% mức giá IPO.

Với NĐT nước ngoài, NĐT cần đăng ký mã số NĐT, mở tài khoản tại ngân hàng thanh toán và mở tài khoản giao dịch tại CTCK (không cần phải có xác nhận lý lịch tư pháp).

 

Áp lực cạnh tranh chưa rõ nét

Hai thương hiệu CTCK Việt Nam đã có sự hiện diện ở đất nước Chùa Tháp, đó là CTCK Campuchia - Việt Nam (CVS), với cổ đông sáng lập là Ngân hàng BIDV và CTCK BSC. CVS đi vào hoạt động cách đây tròn một năm. CTCK Sài Gòn Thương Tín Campuchia có mặt sớm hơn, bắt đầu hoạt động từ năm 2010. CTCK Sacombank nắm gần 100% vốn tại CTCK này.

Đây là hai đầu mối có khả năng hỗ trợ khách hàng người Việt mở tài khoản và hỗ trợ các dịch vụ liên quan. Chẳng hạn, CVS đang hỗ trợ NĐT cá nhân Việt Nam có thể đăng ký mã số NĐT thông qua CVS, mà không cần phải trực tiếp tới UBCK Campuchia (SECC).

Ngoài ra, một số trung gian khác trong nước cũng đang hỗ trợ NĐT nội địa mở tài khoản để đầu tư tại TTCK Campuchia như CTCP Tài Việt (Vietstock). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Vietstock nhận xét, so với sự háo hức với TTCK Lào khi khai trương cách đây 15 tháng, mức độ quan tâm của các NĐT Việt Nam đối với TTCK Campuchia khá hạn chế.

“Một phần là bất tiện về thủ tục pháp lý khi mở tài khoản và khó khăn trong việc chuyển tiền. Mặt khác, từ bài học TTCK Lào, ít hàng hóa, chỉ các NĐT mua nhanh, bán nhanh ở giai đoạn đầu mới giành phần thắng”, ông Dương nói.

Tương tự, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, trong số các NĐT lớn của VCSC, mối quan tâm đến TTCK Campuchia hiện nay rất hạn chế. Lý do là cơ hội hiện hữu ở TTCK nội địa khá rõ nét, chưa đến lúc NĐT nội địa hướng cái nhìn ra bên ngoài.

Từ Campuchia, ông Lê Thế Linh, Phụ trách khối môi giới của CVS cho hay, do TTCK Việt Nam đang phục hồi, nên từ đầu năm tới nay, dòng tiền của các NĐT cá nhân từ Việt Nam chảy sang CSX chưa nhiều. Trong khi đó, các quỹ đầu tư hay NĐT tổ chức thì thích đi thẳng tới doanh nghiệp để bàn chuyện hợp tác.

“Do mới mẻ nên các NĐT tham gia đợt IPO mới đây của PPWSA phần đông là NĐT nước ngoài, chủ yếu là NĐT Trung Quốc. IPO thành công của cổ phiếu này khiến ngày chào sàn dự báo sẽ thành công. Nhiều DN khác đang nhìn vào PPWSA”, ông Lĩnh nói.

Đánh giá về CSX, theo ông Dương, CSX sẽ thay đổi vị thế khá nhanh. Chẳng hạn, về hàng hóa, hiện nay mới có cổ phiếu của PPWSA, nhưng SECC đã lên kế hoạch “tạo hàng” với khoảng 10 thương vụ IPO/năm. Mặt khác, Chủ tịch SECC hiện nay cũng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Campuchia, điều này có nghĩa mọi cải cách, chính sách phát triển thị trường sẽ được đẩy nhanh.