Mở tối đa quyền mua bán hai chiều, bao giờ?

Mở tối đa quyền mua bán hai chiều, bao giờ?

(ĐTCK) Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK dự kiến sẽ mở rộng quyền mua bán chứng khoán hai chiều của NĐT trên TTCK theo hướng không hạn chế. Thế nhưng, dù đã được thông qua về chủ trương, để triển khai thực tế, đó không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai.

Từ nhu cầu thực tế

Theo phản ánh của CTCK FPT (FPTS), có một nhóm NĐT Nhật Bản mở tài khoản tổng và giao dịch tại FPTS. Trên danh nghĩa được hiểu tại Việt Nam, cả tài khoản tổng của các NĐT này được coi là 1 NĐT, tức là hiện nay phải chịu quy định: chỉ khi nào 1 mã cổ phiếu khớp xong lệnh mua/bán thì tài khoản này mới được tiếp tục đặt một lệnh trái chiều.

Thế nhưng, tài khoản tổng là tài khoản của nhiều người và mỗi người có một nhu cầu giao dịch khác nhau, thậm chí trái chiều. Để tránh việc vi phạm quy định hiện hành về giao dịch chứng khoán, các NĐT Nhật Bản nói trên đã phải chấp nhận 1 quy định rất buồn cười là: 1 ngày chuyên mua và một ngày chuyên bán. Theo FPTS, đây là bất cập trong quy định hiện hành, khiến giao dịch chứng khoán của NĐT trở nên kém thuận lợi, thậm chí ảnh hưởng đến cơ hội giao dịch giá tốt của khách hàng.

Câu chuyện của nhóm NĐT Nhật Bản tại FPTS trên thực tế diễn ra phổ biến đối với các tài khoản tổng của NĐT nước ngoài. Theo FPTS, để khuyến khích và thu hút NĐT tham gia giao dịch chứng khoán, UBCK cần sớm có cơ chế khắc phục tình trạng này theo hướng mở hơn cho các NĐT.

Theo quy định hiện hành, NĐT được phép cùng mua/bán 1 loại chứng khoán trong phiên, nhưng việc mua bán này phải đảm bảo 2 yếu tố: một là có đủ chứng khoán/tỷ lệ ký quỹ yêu cầu để đảm bảo giao dịch được thực hiện; hai là lệnh trái chiều chỉ được phép đặt vào hệ thống khi lệnh giao dịch đã đặt trước đó được hoàn tất trạng thái (khớp hết hoặc đã bị hủy).

Quy định này, dù đã thoáng hơn rất nhiều so với trước kia (quy định mỗi phiên, NĐT chỉ được phép mua hoặc bán 1 loại chứng khoán), nhưng vẫn chưa phải là quy định mở tối đa cho NĐT. Trong khi đó, thống kê của UBCK cho thấy, với việc cho phép được giao dịch mua/bán cùng phiên 1 loại chứng khoán, kết hợp với kéo dài thời gian giao dịch, thanh khoản thị trường đã được cải thiện mạnh mẽ.

Hiện nay, thanh khoản thị trường đã được cải thiện, nhưng dư địa tăng thanh khoản bằng các biện pháp kỹ thuật vẫn còn nhiều, nếu pháp lý tiếp tục “nới” về điều kiện cho phép NĐT cùng lúc đặt lệnh mua/bán một loại chứng khoán.

“Đã thống nhất chủ trương, nhưng…”

Từ cuối tuần qua, TTCK đã xôn xao thông tin việc UBCK trong tuần này sẽ ký ban hành quyết định cho phép các tài khoản tổng của NĐT nước ngoài được phép mua bán không hạn chế trên cùng một tài khoản. Đồng thời, NĐT trong nước dự kiến cũng sớm được phép đặt lệnh giao dịch cùng mua/bán một loại chứng khoán trong phiên.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn cho hay: UBCK đã ghi nhận được khúc mắc của thị trường về các vấn đề này và thống nhất về mặt chủ trương nới quy định về giao dịch. “Tuy nhiên, đây mới là thống nhất về chủ trương, còn để ban hành văn bản và triển khai thì còn phải mất thêm nhiều thời gian”, ông Sơn nói.

Cụ thể, hiện nay UBCK mới trong giai đoạn xây dựng dự thảo, sau đó sẽ lấy ý kiến các bên có liên quan trước khi ban hành. Một điểm nữa cũng cần thời gian để hoàn thiện là việc phải chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thanh toán bù trừ, hệ thống giám sát để có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ thao túng giá chứng khoán khi NĐT được cùng lúc đặt lệnh mua/bán một loại chứng khoán.

“Do vậy, UBCK đang nỗ lực đẩy nhanh các khâu để sớm giải quyết khúc mắc của thị trường, nhưng trong vòng 1 - 2 tuần tới thì chưa thể đưa ý tưởng nói trên thành hiện thực”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan