Mở toang thị trường logistics, GMD vẫn “sống khỏe”

Mở toang thị trường logistics, GMD vẫn “sống khỏe”

(ĐTCK) Thị trường logistics như thế nào khi Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn kể ngày 11/1/2014, tức các DN nước ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ này? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Công ty Gemadept Logistics - công ty 100% vốn của Gemadept (GMD).

Ông nhận định như thế nào về tình hình cạnh tranh trên thị trường logistics sắp tới?

Cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, vì các 3PL (nhà cung cấp dịch vụ logistics qua bên thứ ba - PV) nước ngoài được thực hiện toàn bộ các dịch vụ. Tuy nhiên, các DN có nền tảng tốt sẽ có cơ hội hợp tác để phát triển.

Có nghĩa là các DN trong nước sẽ chọn các nhà cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài làm đối tác, thay vì đối đầu?

Thực tế, các DN logistics nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ trước, thông qua liên doanh với DN trong nước, nhưng mức độ tham gia vốn của họ trong liên doanh bị giới hạn ở mức 49%. Bây giờ, thị trường mở cửa, họ muốn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, đủ động lực để đưa ra tất cả các bí quyết, công nghệ cùng lợi thế về vốn, kinh nghiệm, mạng lưới. Tuy nhiên, DN trong nước cũng có thế mạnh riêng, ví dụ mạng lưới khách hàng gắn kết, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, cung cấp được hầu hết các dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Bên nào cũng có thế mạnh, nên việc hợp tác sẽ có lợi cho cả hai.

Nhưng việc hợp tác đó lâu nay vẫn diễn ra, liệu các hãng logistics nước ngoài có mở công ty 100% vốn tại Việt Nam?

Đúng là việc hợp tác lâu nay đã có, nhưng khi mở toang cửa, nhiều hãng logistics nước ngoài sẽ muốn nắm phần chi phối. Các hãng logistics nước ngoài đang thành lập công ty con tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, họ sẽ tăng mức đầu tư vào Việt Nam, mở rộng ra các ngành hàng có chuyên môn hoá sâu hơn như dược phẩm, hoá mỹ phẩm, thời trang, điện máy, công nghệ cao, linh kiện ô tô…

Hiện Việt Nam có bao nhiêu DN đang cung cấp dịch vụ logistics, thưa ông?

Theo số liệu của Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có trên 1.000 DN cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, số DN mạnh về nguồn lực, lớn về quy mô, mạng lưới và trình độ công nghệ phát triển còn rất ít. Còn phía nước ngoài, những hãng 3PL lớn nhất đang có mặt ở Việt Nam thông qua các liên doanh như DHL (Hà Lan), Toll Logistics (Úc), Schenker (Đức), Damco (Đan Mạch) và Nippon (Nhật), Kuehne Negel, Kerry…

Tiềm năng của thị trường này như thế nào?

Tiềm năng còn rất lớn. Khi nền kinh tế phục hồi, tiêu dùng tăng, nhu cầu lưu chuyển và phân phối hàng hoá sẽ tăng lên. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà sản xuất muốn chuyên môn hoá hoạt động của họ. Họ sẽ tập trung vào sản xuất và bán hàng, còn các khâu khác như quản lý lưu kho, vận chuyển, phân phối đang có xu hướng chuyển cho các công ty logistics.

Gemadept có ngại cạnh tranh không?

Gemadept đã có sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng… nên có thể tự tin cạnh tranh với các DN nước ngoài. Gemadept đã đầu tư các phần mềm quản lý kho, quản lý vận tải, theo dõi hàng hóa theo thời gian thực…; xây dựng cơ sở hạ tầng logistics đầy đủ như hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối hiện đại, đội xe tải nhẹ trên 20 chiếc loại 2,5 tấn cho hoạt động phân phối hàng hóa tại khu vực phía Nam. Trong năm nay, Gemadept sẽ mở rộng hoạt động ra khu vực phía Bắc và miền Trung. Nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang là khách hàng của chúng tôi như Masan, Vinamilk, Kinh Đô, Vĩnh Hảo, P&G, Sabic, Sharp…

Logistics và khai thác cảng là hai mảng kinh doanh cốt lõi của Gemadept. Logistics hiện chiếm 67,4% tổng doanh thu và 33,3% lợi nhuận gộp, phần còn lại là cảng biển. Tỷ lệ này có thể thay đổi theo hướng mảng khai thác cảng sẽ tăng lên, do các cảng mới bắt đầu đóng góp doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn.

Tin bài liên quan