Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ “kích” thị trường chứng khoán phát triển

Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ “kích” thị trường chứng khoán phát triển

Mở room: Có là ‘thuốc tăng lực’?

(ĐTCK-online) Trong bối cảnh giao dịch cầm chừng như hiện nay, các thành viên trên thị trường chứng khoán đều mong mỏi quyết định mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài như một “liều thuốc tăng lực” cho thị trường.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý dường như không mấy mặn mà với phương án trên và nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu có thể dẫn tới tình trạng thao túng các doanh nghiệp  “ngon” của Việt Nam. Liệu những lo ngại đó có cơ sở và cách nào có thể hạn chế tình trạng trên?

Thực ra, câu chuyện mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài hay đầu tư gián tiếp thông qua hình thức mua bán cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam đã gây tranh luận hàng chục năm về trước. Theo Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987, các nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam phải có tỷ lệ góp vốn trên 30% trong các dự án, vậy dưới 30% thì làm thế nào? Các nhà soạn thảo luật đã trám “chỗ trống” này bằng cách quy định dưới 30% thì được coi là đầu tư gián tiếp và được thực hiện bằng cách mua cổ phần của doanh nghiệp  trong nước. Dần dần, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các CTCP ở Việt Nam được ngầm hiểu tối đa 30%. Năm 2005, để “kích” thị trường chứng khoán phát triển, giới hạn trên đã được nâng lên thành 49% với các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, những doanh nghiệp  hoạt động trong những ngành nghề đặc thù như Ngân hàng Sacombank, ACB vẫn phải tuân theo luật chuyên ngành và “room” cho cổ đông ngoại chỉ tối đa 30%.

Theo quy định cam kết gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp  Việt Nam mà Nhà nước không cần khống chế điều kiện. Điều này có nghĩa là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, “room” sẽ được “nới rộng”. Thế nhưng, do đầu 2007, thị trường chứng khoán phát triển quá nóng, nên Chính phủ đã yêu cầu duy trì “room” 30% với các doanh nghiệp  chưa niêm yết và 49% với những doanh nghiệp niêm yết. Liên tiếp 4 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn điều chỉnh, Chỉ số VN-Index trồi sụt quanh 900 điểm, giá trị giao dịch giảm mạnh, trong đó sức cầu từ khối nhà đầu tư ngoại giảm rõ rệt. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, hơn 30 mã chứng khoán nhà đầu tư ngoại “ưa thích” hiện đã hết “room”. Yêu cầu về việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, nhất là sau sự kiện Trung tâm Lưu ký chứng khoán nhầm “room” của STB từ 30% lên 49% đã tạo ra một cơn sốt STB của nhà đầu tư ngoại trong vòng hơn chục phút đầu của một phiên giao dịch mới đây.

 

Mở như thế nào?

Theo ông Nguyễn Đình Tài, Giám đốc Trung tâm tư vấn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đồng thời là thành viên Ban soạn thảo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư trao quyền cho Chính phủ quyết định “room” của nhà đầu tư ngoại tuỳ từng lĩnh vực cụ thể. Điều này có nghĩa là, từng bộ, ngành sẽ ban hành những danh mục ngành nghề có điều kiện và với những ngành nghề nằm ngoài danh mục đó, nghiễm nhiên nhà đầu tư ngoại không bị khống chế “room”. Danh mục này phải phù hợp với những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Câu chuyện mở “room” cũng đã hơn một lần được đề cập tại Bộ Tài chính. Một số ý kiến cho rằng, nên tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hạn chế họ tham gia vào hoạt động doanh nghiệp bằng cách phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Theo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp nhận mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ được hưởng cổ tức cao hơn hoặc có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại cổ phần trong trường hợp muốn rút vốn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tài, nếu áp dụng hình thức trên, nhà đầu tư nước ngoài chưa hẳn đã tham gia. Thông thường, khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài ít trông chờ vào cổ tức, mà thường tìm kiếm lợi nhuận qua chênh lệch giá thị trường với giá gốc. Hơn nữa, khi đã quyết định bỏ vốn, họ đương nhiên muốn có quyền biểu quyết, tham gia vào những kế hoạch phát triển của doanh nghiệp được trình bày tại đại hội cổ đông.

 

Che chắn là hạ sách?

“Trong khi chúng ta khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp thì lại quá khắt khe với vốn đầu tư gián tiếp. Việc mở “room”, theo tôi, là tất yếu và Nhà nước chỉ nên che chắn cho những ngành nghề có điều kiện như chúng ta đã đàm phán khi gia nhập WTO”, ông Tài bày tỏ quan điểm.

Trước mối lo rằng, nếu nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các DN “ngon” của Việt Nam có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, ông Tài nhận định rằng, điều đó không đáng lo. Thực tế, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp  đang trở thành xu hướng đầu tư mạnh trên thế giới (chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn cầu). Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã quy định việc thâu tóm một doanh nghiệp  bằng cách mua cổ phần trên thị trường chứng khoán không được thực hiện nếu tạo ra doanh nghiệp  mới nắm trên 50% thị phần trong một lĩnh vực; nếu nắm 30% thị phần thì phải báo cáo. Còn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp  có vốn nước ngoài dưới 49% được coi là doanh nghiệp  “nội”, trên mức này là doanh nghiệp  “ngoại”. Tuy nhiên, khi đã bỏ vốn đầu tư, dù là nội hay ngoại, mục tiêu cao nhất của nhà đầu tư vẫn là thu lại lợi nhuận và họ chẳng dại gì bỏ đi những thương hiệu đã hút khách.