Công việc cứ cuốn lấy vị đại gia điếu cày, ấy vậy mà trên thị trường, lắm kẻ tung tin đồn “ông Thản bị bắt”.
Năm 2015, sau chuỗi sự kiện khai trương các khách sạn Mường Thanh Hà Nội Centre, Cửa Lò, Cần Thơ, Lào Cai, Sài Gòn, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi…, Tập đoàn Mường Thanh đã chính thức ghi thêm vào “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam” của mình con số 45 khách sạn và dự án khách sạn trải dài trên khắp cả nước, với 6.500 phòng và 8.700 nhân viên.
Nhìn vào “đế chế” ông Thản đã gây dựng được ngày nay, ít ai ngờ rằng, sự nghiệp kinh doanh khách sạn của ông chỉ mới bắt đầu vào năm 1997, Mường Thanh khởi công xây dựng khách sạn đầu tiên tại TP. Điện Biên Phủ. Với tầm nhìn xa, ông Thản đã chuyển hướng đầu tư về Hà Nội. Liên tục trong những năm sau đó, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt ra đời.
Vào những ngày giáp Tết, ông Thản và các cộng sự vẫn mải mê với các dự án tâm huyết của mình. Vừa mới thấy ông nhận giấy chứng nhận đầu tư Tổ hợp khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại Mường Thanh tại TP. Bắc Ninh, đã thấy ông được UBND tỉnh Hà Nam trao Giấy chứng nhận chấp thuận đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại Mường Thanh tại TP. Phủ Lý (Hà Nam) với diện tích trên 12.000 m2, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, rồi thì Mường Thanh Phú Quốc, Mường Thanh Ninh Bình, Mường Thanh Phú Thọ… Hiện Mường Thanh cũng đang tiến hành đàm phán mua lại các lô đất phù hợp, cũng như các dự án khách sạn đã hoạt động để tiếp tục mở rộng chuỗi khách sạn.
Nếu như ông Thản và nhiều cộng sự tinh mắt trong việc nhìn ra các địa điểm có vị thế, có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai ở mỗi vùng miền mà Mường Thanh có mặt và giàu kinh nghiệm trong việc triển khai dự án với tiến độ thần tốc, thì con gái ông, Lê Thị Hoàng Yến lại giỏi giang trong việc quản lý, điều hành. Được đào tạo bài bản tại Anh Quốc, đảm nhận vị trí CEO, Yến đã áp dụng những phương thức quản trị hiện đại nhất vào hoạt động hàng ngày của Tập đoàn.
Trong năm 2016 - 2017, “đế chế” này sẽ tiếp tục mở rộng với hơn 20 khách sạn nữa mang tên Mường Thanh, trong đó có 1 khách sạn ở nước ngoài là Mường Thanh Viên Chăn.
Dù 4 sao hay 5 sao, chiến thuật kinh doanh của hệ thống Mường Thanh rất đơn giản: Giá hợp lý và thái độ phục vụ nhiệt tình. Chính sách giá linh hoạt, không tăng giá dịp lễ tết cũng là những lý do khiến chuỗi khách sạn Mường Thanh luôn là lựa chọn của lượng lớn khách du lịch.
Có một đặc điểm khá thú vị trong chiến lược kinh doanh của vị đại gia này. Khi xây dựng khách sạn, nhiều DN thường chọn lựa những thành phố lớn, những khu du lịch lâu đời mà bỏ quên những đô thị đang phát triển mạnh mẽ. Song Mường Thanh lại khác, trong 3 năm vừa qua, họ đã tập trung đầu tư vào những thành phố như Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…, cung cấp những dịch vụ để phù hợp với các thành phố đó như hội thảo, hội nghị, tiệc mừng… Nhờ đó, họ đã gần như chiếm lĩnh được thị trường những thành phố này. Mặt khác, ở những thành phố mới, việc đầu tư của Tập đoàn sẽ làm thay đổi bộ mặt và ngành du lịch ở những địa phương này, nên Mường Thanh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía chính quyền. Chiến lược phát triển mở rộng sự có mặt trên tất cả các vùng miền cả nước và từng bước vươn ra nước ngoài của Mường Thanh đang được thực thi khá hiệu quả.
Năm 2015, Mường Thanh đã nâng cấp bộ nhận diện cho các nhóm khách sạn thành viên dựa trên đặc tính sản phẩm, cơ sở vật chất và vị trí của khách sạn, từ đó cho ra đời 4 phân khúc Luxury, Grand, Holiday và Mường Thanh. Trong đó, Mường Thanh Luxury là thương hiệu khách sạn 5 sao cao cấp, tọa lạc tại trung tâm các thành phố lớn và các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Mường Thanh Grand tọa lạc tại những vị trí đắc địa của những đô thị lớn là các khách sạn thuộc phân khúc 4 sao. Mường Thanh Holiday là nhóm khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên, tọa lạc ở các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng trên toàn quốc. Phân khúc Mường Thanh bao gồm các khách sạn 3 - 4 sao, tọa lạc tại vị trí trung tâm của các thành phố, thị trấn trên khắp cả nước, với quy mô từ 80 - 150 phòng.
“Làm khách sạn có lãi, nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Có cơ hội hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục làm. Khi nào không làm được nữa mới nghỉ”, ông Thản chia sẻ giản dị về con đường kinh doanh của mình.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com