Trao đổi về những quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản tại Nghị định số 76/2015/NĐ - CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là một bước tiến đáng kể so với các dự thảo trước đây.
“Hoạt động môi giới bất động sản chủ yếu sử dụng chất xám. Năng lực của cácdoanh nghiệp này là hệ thống quản trị và con người là chính, chứ không phải là vốn”, ông Đính nói và cho rằng, với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, mức vốn pháp định cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, vì với một dự án bất động sản quy mô trung bình lên đến hàng trăm tỷ đồng, thì mức vốn 20 tỷ đồng không có nhiều ý nghĩa trong quản lý doanh nghiệp, mà quan trọng là việc thẩm định năng lực tài chính của cơ quan chức năng.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, quy định tại Nghị định số 76/2015/NĐ-CP đã tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Vốn pháp định thấp nhất (20 tỷ đồng) cho doanh nghiệp bất động sản là hợp lý, vì nếu doanh nghiệp thực hiện dự án thì còn phải tuân thủ tỷ lệ vốn tự có theo Luật Đầu tư.
Theo ông Quyết, quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản như sàn giao dịch bất động sản, công ty quản lý bất động sản, môi giới bất động sản… không cần vốn pháp định cũng phản ánh đủ bản chất của loại hình kinh doanh này là chủ yếu cung cấp dịch vụ kinh doanh, chứ không phải là doanh nghiệp phải bỏ vốn ra kinh doanh.
“Rất có thể quy định này sẽ sinh ra rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này đã có sự điều chỉnh về mặt quản lý nhà nước. Mặt khác, thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt sẽ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản”, ông Quyết nói.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, quy định vốn kinh doanh bất động sản tối thiểu 20 tỷ đồng phù hợp với thực tế, với Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường. Nếu không có quy định này, có vẻ như chỉ có các nhà đầu tư có tài chính mạnh mới được tham gia thị trường kinh doanh bất động sản.
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng mở rộng điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua bất động sản. Theo đó, bên thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn có quyền chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng đó cho tổ chức, cá nhân khác, khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên thuê mua chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng cho tổ chức, cá nhân khác, khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nghị định 76/2015/NĐ-CP mở rộng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân là bước tiến lớn so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Nhiều vướng mắc về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua, mức vốn pháp định, quyền được kinh doanh bất động sản của hộ gia đình, cá nhân… được quy định rõ ràng sẽ là cú hích quan trọng cho thị trường bất động sản thời gian tới.