Ngành hàng không tạo ra hàng chục triệu việc làm và đóng góp lớn cho GDP toàn cầu.

Ngành hàng không tạo ra hàng chục triệu việc làm và đóng góp lớn cho GDP toàn cầu.

Mở rộng mạng lưới sân bay để bắt kịp tốc độ tăng trưởng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu coi lĩnh vực hàng không như một quốc gia thì đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, hỗ trợ 87,7 triệu việc làm và tạo ra 3.500 tỷ USD trong tổng GDP toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của ngành này đi liền với yêu cầu mở rộng mạng lưới sân bay và đường bay để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Lợi ích vượt ngoài biên giới

Báo cáo “Hàng không: Lợi ích vượt ngoài biên giới” do ATAG và Oxford Economics phối hợp thực hiện năm 2020 đã phân tích các đóng góp của ngành hàng không với nền kinh tế, vai trò tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động cũng như cách nó đóng góp cho phát triển bền vững.

Các nghiên cứu chỉ ra, khu vực có lưu lượng khách cao nhất thế giới, vận chuyển tới 1,7 tỷ lượt khách là châu Á – Thái Bình Dương. Ngành hàng không đã hỗ trợ 46,7 triệu việc làm và tạo ra 944 tỷ USD. Lưu lượng hàng không ở khu vực này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 4,2%/năm trong hai thập kỷ tới, đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất toàn cầu. Theo sau là khu vực châu Âu, hàng không vận chuyển 1,2 tỷ lượt hành khách và hỗ trợ 13,5 triệu việc làm (trong đó 2,7 triệu việc làm trực tiếp), tạo ra 991 tỷ USD cho nền kinh tế. Một khu vực kém phát triển là châu Phi, vận tải hàng không cũng hỗ trợ 7,7 triệu việc làm và đóng góp 63 tỷ USD vào GDP.

Thực tế sân bay không chỉ là điểm trung chuyển quan trọng của dòng lưu thông con người và hàng hóa mà nó còn kết nối các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo động lực cho nền kinh tế. Theo đó, cứ 100 triệu USD nghiên cứu và phát triển hàng không tạo ra lợi ích 700 triệu USD/năm.

Đặc biệt, tại những khu vực có địa hình phức tạp, cách trở về mặt địa lý như miền núi cao, hải đảo… sự hiện diện của sân bay sẽ xóa mờ khoảng cách, giúp việc đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Mạng lưới các sân bay nối liền sẽ tạo nên “mạch máu” cho nền kinh tế. Hệ thống “mạch máu” này càng dày đặc thì việc di chuyển, thông thương, kinh doanh giữa các tỉnh thành, vùng miền, giữa trong nước với thế giới càng trở nên thuận lợi. Chưa kể các lợi ích xã hội như tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, trợ giúp hoạt động cứu trợ cứu nạn khi cần thiết…

Trên thế giới, hơn 58% du khách chọn di chuyển bằng máy bay.

Trên thế giới, hơn 58% du khách chọn di chuyển bằng máy bay.

Tại Việt Nam, hàng không và sân bay đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Dễ nhận thấy, những địa phương được đầu tư hạ tầng hiện đại, trong đó có việc xây mới hoặc đầu tư nâng cấp sân bay thì ngành du lịch sẽ được kích hoạt, lượng khách tăng mạnh, mang đến nguồn thu lớn cho địa phương. Trong đó tiêu biểu phải kể đến các sân bay Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…

Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không nước ta đã tăng trưởng vượt bậc với tốc độ liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm. Theo IATA, đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc Top nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong suốt các năm 2020 – 2021 nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã khởi sắc. Nhiều nơi khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa như Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh… IATA đánh giá, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch.

Gia tăng nhu cầu phát triển cảng hàng không

Mặc dù dư địa phát triển của ngành hàng không rất lớn song do hạn chế về nguồn lực đầu tư nên mạng lưới sân bay tại Việt Nam còn mỏng. Hiện cả nước chỉ có 22 CHK đang khai thác, trong đó 20 cảng có nguồn gốc là sân bay quân sự được cải tạo, nâng cấp thành sân bay dân dụng. Chỉ có 1 cảng hàng không do tư nhân đầu tư là sân bay quốc tế Vân Đồn.

Việt Nam mới có 1 sân bay duy nhất do tư nhân xây dựng là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Việt Nam mới có 1 sân bay duy nhất do tư nhân xây dựng là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Chất lượng của các sân bay cũng rất đáng lo ngại. Nhiều sân bay xây từ thời chiến tranh, đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển và phải lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp toàn diện, thậm chí xây mới như sân bay Côn Đảo, sân bay Nà Sản… Nhiều khu vực cách biệt về địa lý, đi lại khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên chưa có sân bay. Trong khi đó, các sân bay lớn lại thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…

Trong bối cảnh nhu cầu kết nối bằng đường hàng không giữa các địa phương và giữa địa phương với thế giới ngày càng tăng, việc rà soát để nâng cao chất lượng hệ thống sân bay là rất cần thiết. Bên cạnh hoạt động đầu tư nâng cấp các sân bay hiện hữu có dấu hiệu quá tải, cần phải mở rộng mạng lưới sân bay quốc gia bằng cách bổ sung sân bay mới, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Số lượng sân bay tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Số lượng sân bay tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay thì giải pháp huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư sân bay, cảng hàng không lại được đặt ra. PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trường Đại học GTVT, nhận định: Việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng là hướng đi đúng.

“Nếu đầu tư vào các dự án sân bay mới, huy động nguồn vốn xã hội sẽ thuận lợi hơn do những dự án này đã nằm trong quy hoạch. Tư nhân đầu tư, Nhà nước giám sát chất lượng, từ đó đưa ra mức phí và thời gian thu phí”, chuyên gia nhận định.

Hiện tại, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn đang được lấy ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện. Trước mắt, cơ quan chức năng cần rà soát và bổ sung vào quy hoạch những dự án sân bay mới tại các địa bàn đang được coi là “vùng trũng” về giao thông nhưng lại có nhiều tiềm năng lớn về phát triển du lịch, thu hút du khách. Đây sẽ là cơ sở để thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và cân nhắc tính hiệu quả của dự án.

Bài học thành công của sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) có thể được xem là tiền đề quan trọng để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không mạnh mẽ hơn nữa.

Tin bài liên quan