Thúc đẩy việc xử lý nợ tồn đọng của DN để tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa.

Thúc đẩy việc xử lý nợ tồn đọng của DN để tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa.

Mở rộng lĩnh vực hoạt động cho Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng

(ĐTCK-online)Thủ tướng Chính phủ thành lập Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) là nhằm mục đích xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý; vật tư ứ đọng, kém, mất phẩm chất; góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính DN; thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN.

Mới đây, Bộ Tài chính (BTC) đã cho phép DATC mở rộng lĩnh vực hoạt động.

Cụ thể, theo Quyết định 2157/2007/QĐ-BTC (sửa đổi, bổ sung Quyết định 1683/2004/QĐ-BTC) về việc ban hành Quy chế Quản lý tài chính tạm thời của DATC thì DATC được sử dụng vốn để gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại nhà nước; mua công trái, trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, trái phiếu của các tổ chức tín dụng quốc doanh (mức đầu tư vào các hình thức này tối đa là 20% vốn điều lệ); góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, liên kết bằng nợ và tài sản tồn đọng đã mua. Ngoài ra, DATC còn được đầu tư không thông qua việc mua, bán nợ và tài sản tồn đọng theo nguyên tắc có hiệu quả, các khoản đầu tư có tính thanh khoản cao, không dẫn đến tình trạng thiếu vốn thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính của Công ty là mua, bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng (mức đầu tư vào các hình thức này tối đa không vượt quá 20% vốn điều lệ).

Khi tham gia đầu tư vào trái phiếu ngân hàng thương mại nhà nước, trái phiếu công trình, DATC liệu có trở thành “một thế lực mới”, thách thức các tổ chức tài chính khác? Trả lời câu hỏi này của ĐTCK, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, BTC hết sức thận trọng nên mới đưa ra mức khống chế đầu tư vào các hình thức này. “Trên thực tế, DATC có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, với mức khống chế tối đa là 20% thì DATC chỉ có tối đa 400 tỷ đồng để tham gia đầu tư mua trái phiếu nên chưa thể trở thành tổ chức tài chính lớn trên thị trường trái phiếu”, ông Sáu cho biết và nhấn mạnh, mục tiêu trọng tâm của DATC vẫn là mua bán nợ, tài sản tồn đọng không tính vào giá trị DN khi CPH; hỗ trợ DN, trước hết là đối với DN trong quá trình CPH, DN đang tiến hành sắp xếp lại. Về lâu dài, DATC sẽ hỗ trợ tất cả DN thuộc mọi loại hình kinh tế, bởi trong nền kinh tế thị trường, rủi ro về nợ bao giờ cũng phát sinh nên nhu cầu về xử lý nợ của các DN nói chung, các ngân hàng nói riêng không bao giờ hết. “Thị trường mua bán nợ rất lớn, hiện tại chỉ có DATC và một số công ty mua bán nợ trực thuộc ngân hàng thương mại tham gia vào lĩnh vực này. Để làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của DN, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khuyến khích các DN thuộc mọi loại hình tham gia vào lĩnh vực mua bán nợ và tài sản tồn đọng để thúc đẩy việc xử lý nợ tồn đọng của các DN”, ông Sáu cho biết.

Cùng với việc mở rộng hoạt động cho DATC, BTC cũng đã quyết định mở rộng tối đa quyền hạn, trách nhiệm và sự tự chủ của HĐQT cũng như Tổng giám đốc DATC. “Giao tính tự chủ, tính độc lập, tự chịu trách nhiệm cho DATC, BTC hướng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình CPH theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP”, ông Sáu nhấn mạnh.