Cần phải đánh giá đúng và đầy đủ toàn bộ tài sản quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tài sản công hay TSNN.
Sử dụng tài sản nhà nước còn nhiều thất thoát, lãng phí
Việc quản lý TSNN hiện được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và rất nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản; Luật Dầu khí; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, chỉ điểm qua một số công trình được xây dựng bằng tiền thuế của dân trên địa bàn Hà Nội đang được cho thuê mở nhà hàng, sử dụng không đúng công năng, PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, một khối lượng tài sản nhà nước đang sử dụng kém hiệu quả, còn nhiều thất thoát, lãng phí, chiếm dụng, trục lợi.
Chia sẻ vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước), ông Đặng Văn Hải đã lấy một số dẫn chứng sau khi kiểm toán dự án BT (xây dựng - chuyển giao) để chỉ ra rằng, TSNN đã và đang bị thất thoát, lãng phí. “Năm 2019, sau khi kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 5.058 tỷ đồng. Còn khi kiểm toán dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn tới 300 năm so với phương án ban đầu của chủ đầu tư”, ông Hải cho biết.
Việc quản lý, sử dụng TSNN tại doanh nghiệp nhà nước, theo ông Hải, cũng đang trong tình trạng bị thất thoát, lãng phí. Ông Hải dẫn chứng, trong giai đoạn 2011-2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 41.301 tỷ đồng; kiểm toán việc hoàn thuế giá trị gia tăng tại 19 địa phương đã phát hiện ra trên 1.396 tỷ đồng hoàn thuế chưa phù hợp; phát hiện nhiều trường hợp gian lận, có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý, truy tố trước pháp luật.
Đánh giá đúng và đầy đủ toàn bộ tài sản quốc gia
Trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thực hiện 2 cuộc giám sát tối cao về quản lý, sử dụng vốn, TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2013-2018. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện 3 giám sát chuyên đề về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016; quản lý, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Minh Sơn, hoạt động giám sát liên quan đến TSNN còn quá ít, trong khi phạm vi tài sản công rất lớn, không chỉ gói gọn các loại tài sản do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang được giao quản lý, sử dụng, mà còn tài sản là kết cấu hạ tầng, tài nguyên, khoáng sản… “Quốc hội khóa tới cần tăng cường hoạt động giám sát liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN vì việc quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, hạn chế, luôn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”, ông Sơn đề xuất.
Cần phải hiểu tài sản quốc gia là toàn bộ nguồn lực vật chất và tinh thần của một đất nước mới giám sát, kiểm soát, quản lý, khai thác hiệu quả.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội
Theo ông Sơn, nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm liên quan đến quản lý, sử dụng TSNN hiện nay cần sớm được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát là việc ban hành tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng, công trình sự nghiệp; hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; kể cả giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan của Đảng.
“Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa từ đất sản xuất sang đất kinh doanh, xây dựng chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại, mua sắm; việc sử dụng nguồn vốn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, sử dụng đất đai và tài sản công khác để thực hiện dự án BT, BOT cũng là những vấn đề rất nóng, cử tri rất quan tâm, Quốc hội cần sớm có kế hoạch giám sát”, ông Sơn nói thêm.
Theo quy định hiện hành, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. “Khái niệm về tài sản công ở Việt Nam như hiện nay là chưa ổn, chưa bao quát hết được tài sản công”, ông Đăng Văn Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, cần phải đánh giá đúng và đầy đủ toàn bộ tài sản quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tài sản công hay TSNN. Ngoài các loại tài sản đã được liệt kê trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì tài sản phi vật thể mang giá trị tinh thần, văn hóa, tâm linh của dân tộc, cộng đồng như lễ hội, đình chùa, di tích lịch sử - văn hóa cũng là tài sản quốc gia… “Cần phải hiểu tài sản quốc gia là toàn bộ nguồn lực vật chất và tinh thần của một đất nước mới giám sát, kiểm soát, quản lý, khai thác hiệu quả”, ông Thanh nhấn mạnh.