Mở rộng dư địa TTCK và câu chuyện chuẩn mực kế toán

Mở rộng dư địa TTCK và câu chuyện chuẩn mực kế toán

(ĐTCK) Thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đang là đòi hỏi bức thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam thêm sức hút với nhà đầu tư ngoại, vươn mình mạnh mẽ hơn.

Cần xóa bỏ rào cản tiếp cận thông tin tài chính

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước hiện nay đang lập báo cáo tài chính dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chế độ kế toán doanh nghiệp (cụ thể hóa những chuẩn mực này). Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, bao gồm 26 chuẩn mực kế toán, dựa trên nền tảng là hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế tại thời điểm đó và có điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.

Kể từ thời điểm ban hành đến nay đã hơn 10 năm, VAS chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật, vì vậy những quy định về hạch toán kế toán trở nên lạc hậu so với thực tiễn phát triển của nền kinh tế.

Chính ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo các văn bản, chế độ, chính sách liên quan đến kế toán, kiểm toán thừa nhận, nhiều thông tin mà VAS đưa ra không còn mang tính hữu ích, tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính bị suy giảm, nên người sử dụng báo cáo tài chính không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp cũng như những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải.

Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt từng thẳng thắn nhận xét: “Việt Nam có hệ thống kế toán không giống ai, thế giới nhìn vào không ai tin và không ai hiểu”.

Đó cũng là lý do, theo ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, nhà đầu tư Mỹ dè dặt không xuống tiền đầu tư vào các đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn của Việt Nam thời gian qua.

Nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, đưa báo cáo tài chính của các doanh nghiệp về “ngôn ngữ” chung được quốc tế thừa nhận đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay để thị trường chứng khoán trong nước hấp dẫn hơn với giới đầu tư quốc tế.

Hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang được chấp nhận như chuẩn mực lập báo cáo tài chính cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới. Hàng trăm quốc gia đã áp dụng hoặc đang tiến tới hội tụ với hệ thống chuẩn mực này.

Theo ông Trịnh Đức Vinh, khi áp dụng IFRS, chất lượng thông tin của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

Kế toán theo chuẩn quốc tế: Sớm nhất 7 năm nữa

Trong nỗ lực thúc đẩy thị trường vốn trong nước phát triển, mới đây, Bộ Tài chính đã dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến hoàn thành xây dựng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) và bộ tài liệu hướng dẫn VFRS trên cơ sở nội hàm về cơ bản như nguyên mẫu IFRS của quốc tế, có một vài nội dung được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam, muộn nhất vào cuối năm 2022.

Bộ chuẩn mực này sẽ được áp dụng vào lập và trình bày báo cáo tài chính riêng, báo cáo tài chính hợp nhất bắt buộc cho các công ty niêm yết và các đơn vị có lợi ích công chúng khác. Tuy nhiên, các công ty này có 2 năm để chuẩn bị kể từ ngày bộ chuẩn mực được công bố. Điều này đồng nghĩa với việc sớm nhất vào đầu năm 2025, bộ chuẩn mực VFRS (tiệm cận với IFRS) sẽ bắt buộc áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết.

Nếu Đề án được thông qua, 7 nữa, khối doanh nghiệp niêm yết mới tuân thủ bộ chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có chuyên gia cho rằng, kế hoạch này “hơi bứt phá nhanh”.

Luồng quan điểm này cho rằng, phương án triển khai đối với hệ thống VFRS thời gian đầu, nên cho các công ty, doanh nghiệp tự nguyện áp dụng, hàng năm có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho đến lúc các doanh nghiệp đã sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như có các mô hình số liệu để chuyển đổi thì mới áp dụng bắt buộc đối với các đối tượng là công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác.

Bà Hà Thị Tường Vi, Tổng thư ký Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam, chuyên gia có bề dày kinh nghiệm nhìn nhận, không thể phủ nhận lợi ích của IFRS trong việc cung cấp hệ thống thông tin minh bạch cho nền kinh tế mà Việt Nam đang hướng tới, cũng như hệ thống quản trị doanh nghiệp chắc chắn sẽ tốt hơn.

Nhưng lợi ích này chỉ mang lại khi mọi điều kiện đã chín muồi, doanh nghiệp đã đầy đủ nhân lực kế toán, hiểu và có thể vận hành công việc tuân thủ theo IFRS một cách dễ dàng, cơ sở về vật chất như phương tiện tin học, phần mềm kế toán đã sẵn sàng.

Để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ báo cáo tài chính, tạo niềm tin cho nhà đầu tư ngoại, thiết nghĩ, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ cơ quan soạn thảo chính sách, sự chung tay của cơ sở đào tạo, mà cần sự nỗ lực tiến tới tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày báo cáo tài chính của chính doanh nghiệp.

Tin bài liên quan