Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, mà quyết tâm để đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, ông nhìn nhận, dự báo diễn biến trong nước và quốc tế khó khăn, nên khả năng đạt được mức tăng 6,7% là rất khó, vì quý IV phải đạt được mức tăng trưởng 8,3%.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức, nhưng Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 cao hơn kết quả dự báo đạt được trong năm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội về các chỉ tiêu kinh tế năm 2017: GDP tăng khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP…
Thực tế cho thấy, dư địa cho tăng trưởng “thô” - dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư… đang hẹp dần. Do đó, cần triển khai các giải pháp mang tính đột phá để gia tăng dư địa cho tăng trưởng “tinh” - dựa vào cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh giản bộ máy và tăng tính liêm chính của bộ máy công quyền để giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu không quyết liệt thúc đẩy các nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng “tinh”, mà trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp - hiện là trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP, thì trong những năm tới, duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao như hiện nay đã khó, chưa nói đến đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh.
Liên quan đến câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, dẫn trường hợp của Công ty Cỏ May gửi đơn đăng ký kinh doanh về ngành sản xuất gạo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng mãi không được chấp thuận nên công ty này đã chuyển hướng sang Singapore, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, chỉ sau vài giờ, mọi thủ tục đã hoàn tất, nên Cỏ May hoạt động ở Singapore.
Kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015 đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hoạt động ở Singapore và Thái Lan, những nơi có môi trường kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Điều này tốt cho doanh nghiệp, nhưng là thách thức lớn cho Việt Nam, bởi tiền thuế, việc làm sẽ “chảy” sang Singapore, Thái Lan…
Cách nào để hạn chế tình trạng trên? Giải được bài toán này cùng với tạo được bước cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, cũng như hỗ trợ nền kinh tế cải thiện tăng trưởng cả về lượng và chất trong giai đoạn tới.