Phát triển bền vững ngấm vào tư duy đầu tư
Tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2019 ngày 27/11/2019, Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven chia sẻ, có một giai đoạn một nhà đầu tư góp 200 triệu USD tại Dragon Capital đã quyết định rút vốn khỏi Quỹ, họ muốn rời khỏi thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân là “họ chưa thấy được sự cam kết cũng như tiến bộ trong quá trình đạt được chuẩn mực đầu tư có trách nhiệm cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) tại Việt Nam”.
Nếu như tại các thị trường vốn trên thế giới, cách tiếp cận “đầu tư có trách nhiệm” (Principles of
Responsible Investment - PRI) - tức là xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) trong quá trình ra quyết định đầu tư không có gì mới, thì tại Việt Nam, đây là vấn đề mới.
Nguyên nhân được đánh giá là do thị trường vốn tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng, khiến nhiều cổ đông, lãnh đạo bị chi phối bởi quan điểm “có thực mới vực được đạo”.
Doanh nghiệp dồn tâm sức tìm giải pháp để tăng trưởng nhanh doanh thu, lợi nhuận, giành, giữ và bảo vệ thị phần trước môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong khi đó, cộng đồng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn tập trung mua cổ phiếu theo biến động doanh thu, lợi nhuận.
Đầu tư ngắn hạn chiếm ưu thế đã khiến việc xem xét đến trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, với xã hội bị xem nhẹ.
Hệ thống pháp lý chưa thực sự chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến quyền và nghĩa vụ cho các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ tại nhiều doanh nghiệp không được đảm bảo, dẫn đến những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng mở cửa, nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn trước mỗi khoản đầu tư của mình, buộc doanh nghiệp không thể thờ ơ với yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Câu chuyện của Chủ tịch Dragon Capital cho thấy, nếu doanh nghiệp xem nhẹ nỗ lực phát triển bền vững thì sẽ ngày càng khó có cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Từ năm 2013, trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (nay đổi tên thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết), Ban Tổ chức đã đưa vào giải thưởng doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất.
Phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019, lãnh đạo UBCK thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững.
Tháng 7/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chính thức giới thiệu chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (Sustainability Index - VNSI), chỉ số do HOSE phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nghiên cứu và triển khai.
Đây là chỉ số tính theo phương pháp giá trị vốn hoá thị trường có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float) với thành phần hiện có là cổ phiếu của 20 công ty có điểm phát triển bền vững cao nhất trên sàn HOSE.
Điểm phát triển bền vững được tính theo 3 tiêu chí: Môi trường, xã hội và quản trị công ty.
Theo đó, cổ phiếu thuộc danh mục VN100 được sàng lọc loại trừ các doanh nghiệp có doanh thu trọng yếu đến từ các lĩnh vực như thuốc lá, cờ bạc, thức uống có cồn (rượu mạnh...), sau đó tính toán và lọc theo điểm phát triển bền vững và chỉ 20 công ty có điểm cao nhất được xem xét vào rổ.
Định kỳ hàng quý, các tham số tính toán sẽ được xem xét điều chỉnh, còn danh mục thành phần được điều chỉnh vào tháng 7 hàng năm.
Trong lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 7/2019, cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN và VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng đã được thêm vào danh mục thành phần VNSI, trong khi cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen và GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam bị loại.
Sự ra đời của VNSI được HOSE kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thực hiện và áp dụng các sáng kiến phát triển bền vững, tạo ra thước đo mới cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm hơn.
Việc xây dựng chỉ số cũng nhằm mục tiêu tạo ra công cụ tham khảo, hoặc để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm ETF và phái sinh chỉ số, giúp nhà đầu tư xác định cơ hội đầu tư có khả năng đem lại giá trị dài hạn.
Thực tế, tại các doanh nghiệp niêm yết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm và thực hiện chủ trương phát triển bền vững trong quá trình phát triển, phần nào được thể hiện qua số doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển độc lập gửi đến các cổ đông và nhà đầu tư ngày càng gia tăng.
Năm 2019, đã có 15 đơn vị thực hiện báo cáo phát triển bền vững độc lập, tăng từ mức 11 đơn vị của năm 2018.
Chất lượng của các báo cáo cũng ngày càng hoàn thiện và được đánh giá cao hơn. Phần lớn báo cáo phát triển bền vững đã thể hiện được sự gắn kết chiến lược phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh, một số đưa ra các chỉ tiêu cho tương lai như CTCP Nhựa An Phát xanh (AAA) đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sợi tái chế lên 30% vào năm 2023, hay CTCP Tập đoàn PAN (PAN) đã xây dựng bộ phận phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị…
Chỉ số phát triển bền vững có cần mở rộng?
Sau 2,5 năm vận hành, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) vẫn chỉ có 20 cổ phiếu thành phần, trong đó nhiều mã khối ngoại đã sở hữu trên 50% như tại VNM, BMP, SSI, HCM; sở hữu kín room như tại FPT, PNJ, REE, MBB, VPB.
Trong khi đó, tại CTD hay PAN, room còn lại cho khối ngoại chỉ từ 3-5%.
Trong 10 khoản đầu tư lớn nhất của VietNam Enterprise Invesstment Limited (VEIL) - Quỹ đầu tư lớn nhất do Dragon Capital quản lý, hiện có 3 cổ phiếu thành phần của VNSI là VNM, MBB, FPT.
Trong khi đó, 3/10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Vietnam Opportunity Fund (VOF) - Quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất do VinaCapital quản lý cũng thuộc danh mục VNSI, bao gồm CTD, VNM, PNJ.
Nhiều quỹ đầu tư khác cũng giữ các cổ phiếu thuộc danh mục chỉ số trong Top phân bổ tỷ trọng đầu tư.
Sự đón nhận của thị trường là tín hiệu tích cực. Tuy vậy, cũng có ý kiến góp ý về việc các chỉ số sẽ cần hoàn thiện hơn để đáp ứng được nhu cầu quan tâm của nhà đầu tư.
Chẳng hạn, thay vì chỉ có một bộ chỉ số VNSI hiện nay, nhà quản lý có thể xem xét mở rộng thêm các bộ chỉ số tương tự cho các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ hơn, hay phân loại theo các doanh nghiệp nhóm Largcap, Midcap và Smallcap.
Điều này sẽ tạo cơ hội ghi nhận, khích lệ sự cải thiện doanh nghiệp vốn hóa nhỏ vốn rất khó có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp vốn hóa lớn khi xếp chung trong cùng 1 chỉ số.
Hiện nay, chỉ số VNSI mới được xây dựng trên HOSE. Tuy nhiên, công cụ đo lường sẽ đầy đủ hơn nếu các chỉ số tương tự được xây dựng cho cả các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thậm chí trên sàn đại chúng UPCoM.
Với VNSI, trong danh mục chỉ số hiện có đến gần 50% là các cổ phiếu đã kín room ngoại, những ngành nghề kinh doanh bị giới hạn sở hữu nước ngoài, nên không thể mở room.
Trong điều kiện các công cụ để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cổ phiếu kín room chưa có mặt, nếu thị trường chỉ có 1 chỉ số phát triển bền vững và rổ này không được mở rộng có thể sẽ làm giảm cơ hội thu hút các nhà đầu tư “săn” cổ phiếu của các doanh nghiệp loại này.
Cùng với việc xây dựng thêm chỉ số và mở rộng các doanh nghiệp tham gia rổ VNSI trên nền cập nhật sự tiến bộ của chính doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên tính đến việc đưa ra yêu cầu tối thiểu và chế tài với các doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí căn bản đo lường phát triển bền vững.
Khi yếu tố mềm là khẩu vị của nhà đầu tư và yếu tố cứng là quy định pháp lý cùng hướng doanh nghiệp đến một chuẩn mực cao hơn về phát triển bền vững, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm thiết thực đến nỗ lực này.