Mở rộng biên độ để tỷ giá… xuống nhanh

Mở rộng biên độ để tỷ giá… xuống nhanh

(ĐTCK-online) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở rộng biên độ dao động tỷ giá đầu tuần này sẽ làm cho tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại được dao động với một biên độ rộng hơn, tức là làm cho tỷ giá có tính thị trường hơn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong xu hướng tỷ giá giảm (đồng nội tệ tăng giá) thì việc mở rộng biên độ dao động này sẽ làm tỷ giá giảm nhanh hơn nữa, "đáy" 16.000 đồng/USD chắc chắn sẽ bị "phá thủng".

 

Xuống cùng TTCK

Từ trước tới nay, NHNN vẫn điều tiết tỷ giá VND/USD dựa trên chính sách biên độ giới hạn. Cụ thể, các ngân hàng thương mại chỉ được phép ấn định tỷ giá giao dịch với khách hàng "trong khung" nhất định so với tỷ giá liên ngân hàng được NHNN công bố hàng ngày. "Khung" này trước đây là + 0,5%, kể từ thứ Hai tuần này đã chính thức được mở rộng hơn là + 0,75%.

Theo NHNN, mục đích của việc mở rộng biên độ lần này nằm trong chủ trương chung tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam ngày càng thích nghi với mức độ mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Theo đó, các ngân hàng thương mại có điều kiện ấn định tỷ giá mua bán linh hoạt hơn, sát với cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Còn từ phía các ngân hàng thương mại, theo lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, nhìn chung, mức biên độ này sẽ tốt cho thị trường, mọi người sẽ có "room" rộng hơn để chạy trên thị trường, nó giải quyết tình trạng gần đây nhiều ngân hàng không muốn mua ngoại tệ. Sở dĩ có điều này là bởi trong thời gian gần đây nguồn bán ngoại tệ cho ngân hàng lớn, cung dư thừa khiến tỷ giá bị ép đụng sàn [mức -0,5% so với tỷ giá liên ngân hàng]. Bản thân ở tỷ giá không thể thấp hơn này, các ngân hàng do đang nắm một lượng ngoại tệ rất lớn nên vẫn không muốn mua thêm vào. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp than phiền vì việc không thể chuyển đổi ngoại tệ thành nội tệ, một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng khó giải ngân được vì không thể "xoay" được tiền VND để đầu tư.

"Với mức tăng như vậy, thị trường sẽ tăng mua và tăng bán, và đây cũng là một trong những định hướng của NHNN nhằm chuyển động tỷ giá theo cung cầu của thị trường", vị lãnh đạo này cho biết.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đang giao dịch hai chiều ở mức 16.020-16.030 đồng/USD những ngày đầu tuần. Tuy nhiên, tỷ giá này được coi như giữ đến trong những ngày cuối năm này khi mà hầu hết người giao dịch đã đóng cửa sau những đợt bán chuẩn bị cho IPO Vietcombank và nghỉ Giáng Sinh.

"Xu hướng chung đồng Việt Nam vẫn tiếp tục tăng giá trong quý I/2008 và sẽ xuống thêm 100 đồng và ở mức dưới 16.000/USD sau khi nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam để mua cổ phần của Vietcombank để trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của ngân hàng này", vị lãnh đạo trên cũng cho biết.

 

Và còn giảm tiếp?

Mặc dù những dự báo như vậy, nhưng trong những ngày đầu tuần này, thị trường chưa có phản ứng rõ rệt với việc mở rộng biên độ dao động tỷ giá. Theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại lớn, giao dịch vẫn bình thường. Tỷ giá vào ngày thứ ba (25/12), tức là ngày đầu tiên sau khi biên độ được nới rộng, được các ngân hàng áp dụng chỉ dưới mức - 80 đồng/USD so với tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố, chứ không xuống sát sàn cho phép là -0,75% (khoảng - 120 đồng/USD).

Theo số liệu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thời điểm này thị trường khá cân bằng. Tổng doanh số một ngày giao dịch hai chiều của Vietcombank đạt trung bình 80 triệu USD, mua và bán bằng nhau ở mức khoảng 40 triệu USD/ngày, tăng khoảng 10 triệu USD so với tháng. Tuy nhiên mức tăng này không liên quan đến việc mở rộng biên độ tỷ giá mà được nhận định là do tính thời điểm cuối năm.

Biểu đồ tỷ giá 2007

Mở rộng biên độ để tỷ giá… xuống nhanh ảnh 1
Nguồn: Vietcombank

"Việc này thể hiện thị trường tương đối cân bằng giữa cung và cầu tại thời điểm hiện tại và trạng thái ngoại tệ của Vietcombank là bằng 0", một vị lãnh đạo của Vietcombank cho biết. "Nguồn cung ngoại tệ cho thị trường là khá lớn đặc biệt từ kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp tuy nhiên cầu ngoại tệ cũng khá lớn khi mức nhập khẩu tăng mạnh".

Nhưng về dài hạn, theo các chuyên gia ngân hàng, Việt Nam khó có thể khác xu hướng chung của các nước trong khu vực là đồng nội tệ lên giá, điều đó có nghĩa tỷ giá sẽ còn tiếp tục giảm. Việc mở rộng biên độ dao động tỷ giá nằm trong một lộ trình đặt trước của NHNN là nới dần sự kiểm soát lên tỷ giá VND/USD, theo hướng chấp nhận sự lên giá của đồng nội tệ nhưng một cách từ từ. Hiện chỉ có Lào, Campuchia và Myanmar là 3 nước trong ASEAN không nằm trong xu hướng tăng giá đồng nội tệ chung này.

"Thị trường nhìn nhận năm tới NHNN sẽ kiểm soát tỷ giá theo hướng uyển chuyển hơn và sẽ mua dài hạn trong năm thay vì mua vào nhiều những tháng đầu năm và tạm ngưng mua những tháng cuối năm. Điều đó có lợi cho Việt Nam vì các nhà ĐTNN có thể nhận định được tình hình sát hơn với thị trường", lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho biết.

Sức ép tăng giá đồng Việt Nam so với USD tăng cao hơn năm 2006 khi NHNN quyết định mở rộng biên độ lên + 0,5% vào ngày 31/12/2006, 4 năm sau lần thay đổi đầu tiên do lượng cung ngoại tệ lớn bên cạnh nhập siêu tăng kỷ lục trong năm nay ước đạt 12,53 tỷ USD. Trong đó nguồn vốn FDI đăng ký mới bao gồm cả tăng vốn vào Việt Nam đã tăng gấp đôi ước đạt 20 tỷ USD, kiều hối ước tính hơn 10 tỷ USD và đặc biệt nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam cao nhất từ trước tới nay ước đạt 4 tỷ USD.