Sau 3 tiếng bay từ Hà Nội tới Bắc Kinh (Trung Quốc), nghỉ một đêm tại đây, trưa hôm sau tôi lên chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo, hãng hàng không duy nhất của Triều Tiên để bay tới Bình Nhưỡng hết gần 2 tiếng nữa.
Cảm nhận đầu tiên của tôi, đây là loại máy bay tuy nhỏ, nhưng rất hiện đại, tiếp viên xinh đẹp, niềm nở, tận tình, chuyên nghiệp. Máy bay lướt êm ru, cất cánh và hạ cánh nhẹ nhàng.
Sân bay Bình Nhưỡng đây rồi, nó thật hiện đại và đẹp. Nó khác hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng trước đó.
An ninh sân bay nghiêm ngặt, nhân viên sân bay hỏi rất kỹ việc có mang smartphone không, nếu có thì họ sẽ kiểm tra xem mình có mang nội dung trái với quy định của đất nước Triều Tiên không.
Nếu muốn kết nối 3G hoặc gọi điện quốc tế, bạn có thể mua sim ngay tại sân bay với giá 80 euro. Với sim này, bạn có thể gọi quốc tế, nhưng không thể liên lạc được với người bản địa.
Thật khác với những gì chúng ta thường biết, người dân ở đây họ cũng dùng 3G, internet, nhưng chỉ có điều, họ không dùng chung mạng với người nước ngoài. Ngoài những chiếc smartphone của các hãng thông dụng trên thế giới, người dân Triều Tiên còn dùng smartphone do chính Triều Tiên sản xuất có hình thức khá đẹp.
Trên đường từ sân bay về thủ đô Bình Nhưỡng, dọc hai bên đường là những thảm cỏ, hàng cây xanh mướt được quy hoạch quy củ, kỳ công. Đường phố sạch đẹp, thanh bình, người dân vui vẻ, bình thản đi lại dưới trời nắng chang chang mà không cần mũ nón hay bất kỳ dụng cụ nào che chắn nào. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một vài người dùng những chiếc ô lóng lánh đầy ren giống như các cô tiểu thư của thế kỷ 18 vậy.
Ngắm nhìn đường phố qua cửa ô tô, tôi ngỡ ngàng trước quy hoạch kiến trúc và hạ tầng cơ sở của Triều Tiên. Không khó để nhận ra quy hoạch đô thị của họ có tầm nhìn xa đáng nể phục. Họ dành khá nhiều diện tích cho các khu công cộng và với quy hoạch này, Bình Nhưỡng có điều kiện phát triển phương tiện ô tô cá nhân thì cũng không phải lo tắc đường.
Đáng khâm phục hơn nữa là tổng thể quy hoạch rất hài hòa, tiện dụng, nó như một bản nhạc đầy đủ các cung bậc cảm xúc đan xen, tạo nên một hòa âm tuyệt vời. Vừa đặt chân đến đây, nhưng tôi đã bắt đầu thấy yêu đất nước này rồi.
Chỉ có một số điểm tại Bình Nhưỡng, du khách quốc tế được tự do đi lại, còn lại là phải xin phép và có người Triều Tiên đi cùng. Do được đăng ký từ trước khi sang, nên hôm sau chúng tôi được đến bãi biển Wonsan.
Wonsan là một thành phố cảng và căn cứ hải quân nằm trên bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Vào năm 2013, Triều Tiên thông báo rằng, Wonsan sẽ được chuyển đổi thành điểm đến du lịch mùa hè với các khu nghỉ mát và giải trí. Các địa điểm nổi tiếng để ghé thăm ở đây là Nông trường hợp tác Chonsam, bãi biển Wonsan, Bảo tàng Cách mạng Wonsan, Ngọn hải đăng Changdokdo, Khu nghỉ mát Masikryong,.
Nội thất trong khách sạn.
Từ Bình Nhưỡng đến thành phố biển Wonsan khoảng hơn 200 km. Đường bê tông rộng và vô cùng sạch sẽ, không khí trong lành, hai bên đường cũng trồng hoa nhiều màu rực rỡ, phía sau là những cánh đồng lúa, nương ngô xanh mướt, cảm nhận rất rõ sự thanh bình. Lòng tôi bỗng thấy nhẹ bẫng và bình yên tràn về.
Đường đẹp, xe chạy với tốc độ 100 km/h và đi qua 20 đường hầm xuyên núi, hầm ngắn nhất khoảng 6 m và dài nhất là hơn 5 km, sau 2,5 tiếng, chúng tôi đã tới Wonsan.
Theo dõi suốt đoạn đường dài, tôi thầm cảm phục ý thức tự giác của người dân Triều Tiên. Không chỉ trên những con đường lớn, mà ngay cả những con ngõ nhỏ, những con đường làng lẩn sâu phía trong đều được trông hoa và cũng sạch sẽ như đường chính. Những khu nhà tập thể cũ cũng được sơn sửa bên ngoài sạch sẽ, màu sắc tươi vui.
Những công trình kiến trúc hiện đại.
Bãi biển đây rồi. Nhưng không phải du khách thích chỗ nào là xuống chỗ ấy, mà phải vào đúng khu dành cho người nước ngoài. Ngăn cách khu vực người bản địa và người nước ngoài là một tấm lưới mỏng.
Thật không may, hôm đó biển động, nước khá đục và lạnh, những con sóng mạnh mẽ, dồn dập, nên tôi chỉ dám nhúng chân xuống nước một chút để an ủi là mình cũng có xuống biển. Nhưng người dân ở đây dường như đã quá quen với cái lạnh của nước biển, những cơn gió tung tăng nghịch ngợm cùng các con sóng bạc đầu, nên họ vẫn xuống tắm rất đông vui. Tiếc là tôi ở quá xa chỗ họ, không có máy ảnh chuyên dụng để chụp.
Ẩm thực Triều Tiên.
Không dám dìm mình xuống dòng nước giá lạnh, tôi đi lang thang trên bãi biển thoai thoải cát trắng mịn, làm thư giãn đôi bàn chân trần, cứ thế rảo bước dọc trên bờ biển mà không chạm phải một cọng rác nào. Lâu lắm rồi tôi mới được thỏa sức chơi nghịch trong cát như vậy.
Sau một hồi thỏa thích ngắm những con sóng biển, tôi bắt đầu thả mắt quan sát xung quanh, đứng từ xa ngắm nhìn những người dân bản địa đang tắm biển, câu cá. Những chú chim hải âu dường như quen với người dân ở đây, nên chúng bay liệng và đậu ngay bên cạnh những người câu cá. Biển Wonsan có rất nhiều cầu nhảy và những chiếc cầu vươn ra biển để người dân ngồi chơi hoặc câu cà.
Hai bên đường ở Triều Tiên thường là những thảm cỏ xanh và hoa rất đẹp.
Ở đây cũng có những người ngồi bán cá, mực, sò huyết… mà họ vừa đánh bắt được và nướng ngay tại chỗ cho khách. Trong không khí mát dịu của mùa thu, làn gió biển mang hơi lạnh, mà ngồi thưởng thức vị ngọt, tươi sống của hải sản khi vừa được đánh bắt lên, mới tuyệt vời làm sao.
Xe buýt ở Bình Nhưỡng.
Tạm biệt bãi biển Wonsan, chúng tôi trở về Bình Nhưỡng và không một chút nghi ngờ vào tiềm năng phát triển du lịch của thành phố biển này. Hy vọng một ngày nào đó, bãi biển Wonsan sẽ được vào danh sách những bãi biển nên đến với những thế mạnh riêng của nó.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com