“Mơ màng” chứng nhận bảo hiểm điện tử

“Mơ màng” chứng nhận bảo hiểm điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian chuẩn bị, các công ty bảo hiểm được phép triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo Nghị định 03/2021, vậy nhưng kết quả ban đầu vẫn cho thấy nhiều vấn đề.

Người dân chưa sẵn sàng

Ghi nhận từ Bảo hiểm PVI cho thấy, từ ngày 1/3 đến hết ngày 18/3/2021, nhà bảo hiểm này bán được khoảng 5.400 đơn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới điện tử, tổng doanh thu vào khoảng 3,7 tỷ đồng. Trong đó, 3.700 đơn cấp cho chủ xe ô tô với doanh thu 3,5 tỷ đồng và 2.700 đơn cấp cho chủ xe máy với doanh thu 200 triệu đồng.

Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng Bảo hiểm Bưu điện (PJICO), Bảo hiểm Hàng không (VNI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Xuân Thành… cũng đều cho hay, doanh thu từ chứng nhận bảo hiểm xe điện tử từ đầu tháng 3/2021 đến nay không nhiều do lượng đơn bán ra thấp, mà vẫn chủ yếu là chứng nhận bằng giấy.

Theo các doanh nghiệp, họ không gặp khó khăn trong việc chuyển dịch từ chứng nhận bảo hiểm xe bằng giấy sang điện tử do đã quen thuộc với việc sử dụng giấy chứng nhận điện tử cho các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vật chất ô tô…từ những năm trước. Nguyên nhân chính khiến mức phí từ bảo hiểm điện tử không cao như kỳ vọng nằm ở sự hạn chế khi sử dụng các thiết bị thông minh của một bộ phận người dân và chưa nhiều khách hàng có thói quen mua bảo hiểm trực tuyến, cho dù việc sử dụng chứng nhận điện tử đã được luật hóa

“Ngoài ra, quy định về giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới điện tử còn nhiều điểm chưa thống nhất, rõ ràng, cũng là rào cản khiến doanh nghiệp khó triển khai”, đại diện PJICO thông tin thêm.

Truyền thông chưa tới…

Theo quy định, giấy chứng nhận bảo hiểm bản điện tử có giá trị pháp lý tương tương với bản giấy, người tham gia giao thông có thể xuất trình nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng. Khách hàng, cảnh sát giao thông quét mã QR trên giấy chứng nhận để kiểm tra đầy đủ thông tin được ghi nhận trên giấy chứng nhận bảo hiểm và xác thực đơn bảo hiểm hệ thống lưu trữ của các công ty bảo hiểm…

Thế nhưng trên thực tế, loại chứng nhận mới này dường như chưa hoàn toàn được công nhận. Với người mua bảo hiểm thì điều quan tâm là họ có bị phạt khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ khi đưa ra chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm điện tử!

Thông tin này cũng được ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm chia sẻ khi cho biết, một người bạn của ông là cảnh sát giao thông chưa nắm được thông tin về chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới điện tử nên chưa được “tập huấn” thao tác quét mã QR trên giấy chứng nhận điện tử qua các thiết bị di động thông minh.

“Thực tế trên cho thấy việc cập nhật quy định pháp luật cũng như trang bị các thiết bị công nghệ trong quá trình tác nghiệp cho lực lượng cảnh sát giao thông ở các địa phương còn thiếu đồng bộ. Đây cũng là yếu tố khiến khách hàng e ngại sử dụng chứng nhận bảo hiểm điện tử”, ông Sơn nêu quan điểm và cho rằng, các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu hồ sơ, thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng, phù hợp với định hướng của Chính phủ cũng như xu hướng 4.0 hiện nay.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) thì được biết, Hiệp hội đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông về triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo Nghị định 03/2021.

“IAV cũng đã đề nghị các công ty bảo hiểm phối hợp với cơ quan công an các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để trước tiên lực lượng công an nhận diện rõ hơn về loại giấy chứng nhận này, sau đó phổ cập rộng rãi ra công chúng và trang bị các công cụ cần thiết, phục vụ nhu cầu thiết thực của người tham gia bảo hiểm”, ông Gia Anh nói và chia sẻ thêm, công tác tập huấn, phối hợp giữa các bên đang được dự thảo để trình cơ quan chủ quản xem xét thông qua.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho biết, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng để giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử trở nên thông dụng thì không thể “vỗ tay bằng một tay”.

“Nếu tất cả các bên liên quan cùng vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt thì sẽ không quá khó để đạt con số 100% giấy chứng nhận điện tử, tiến tới loại bỏ hoàn toàn chứng nhận bằng giấy”, vị này nhấn mạnh.

Tin bài liên quan