Muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao.

Muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao.

Mở lối cho “công nghiệp sáng tạo” để du lịch bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
“Cơn cuồng phong” Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị đẩy vào chân tường. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành “công nghiệp không khói” cần phải mở lối cho công nghiệp sáng tạo để du lịch bứt phá.

Văn hóa bản địa là nền tảng cốt lõi

Câu chuyện xây dựng một hệ thống sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường luôn thường trực trong các doanh nghiệp, người làm du lịch. Nhưng có lẽ, chỉ khi bị dồn vào chân tường, tất cả mới nhận ra phải thực hiện ngay một cuộc “cách mạng sáng tạo” để vực dậy ngành công nghiệp không khói.

Là chuyên gia lâu năm trong ngành kinh tế xanh, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, để phát triển kinh tế du lịch, Việt Nam cần một hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, sáng tạo để kích thích nhu cầu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ.

Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Trong hệ thống sản phẩm du lịch tại mỗi giai đoạn phát triển nhất định, cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú hích, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, sản phẩm du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa là chủ đạo cho phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Biển đảo Việt Nam có lợi thế tạo nhiều sức hút như rất gần điểm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch nông nghiệp, sân golf… Hơn nữa, phần lớn các khu du lịch biển hiện nay đều được đầu tư lớn, đồng bộ với nhiều dịch vụ nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng, muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao.

Nhìn sang những nước láng giềng, có thể thấy, các chương trình nghệ thuật hoành tráng của Trương Nghệ Mưu như “thỏi nam châm” hút khách ở Trung Quốc bao năm qua. Những chương trình biểu diễn The Queen’s Banquet Show, Ba Silla, Pang Show, Jump Show ở Hàn Quốc; Show Cookin Nanta, Bangkok Siam Niramit, Show Calypso Cabaret Bangkok, Show Muay ở Thái Lan… luôn chật kín khách nước ngoài, tạo nguồn thu lớn cho du lịch.

Ngành “công nghiệp sáng tạo” góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP với doanh thu ròng hàng năm chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế Nhật Bản và thu hút 5% lực lượng lao động ở quốc gia này. Tại Trung Quốc, giá trị gia tăng của “công nghiệp văn hóa” Trung Quốc là 2.723,5 tỷ nhân dân tệ (năm 2015), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 3,97% GDP.

Đáng tiếc ở Việt Nam, sản phẩm du lịch gắn với loại hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật chưa nhiều, quy mô còn khiêm tốn như: Rối nước Thăng Long, Ấn tượng Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, Múa cung đình Huế, Du ca đất Việt Nam, Làng tôi… Có lẽ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu “nhạc trưởng”, thiếu sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các đơn vị văn hóa nghệ thuật và du lịch.

“Công nghiệp sáng tạo” dẫn lối

Theo TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát triển ngành “công nghiệp văn hóa”, “công nghiệp sáng tạo” sẽ dẫn lối cho những cơ hội, sản phẩm, dịch vụ mới, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung hậu Covid-19.

Dẫu vậy, đầu tư vào “công nghiệp văn hóa” phải bỏ “tiền tấn”, thu về “tiền lẻ” trong thời gian dài, nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Do đó, ông Siêu cho rằng, muốn thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa, trước tiên cần tập trung phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh để tạo thuận lợi phát triển du lịch văn hóa.

“Nhà nước cần ban hành chính sách cụ thể, xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo sẵn có lợi thế, tiềm năng. Cần kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh”, ông Siêu nêu quan điểm.

Trong lộ trình phát triển, chắc chắn không thể thiếu việc đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công-tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa.

Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về công nghiệp văn hóa và biết áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, ngành du lịch cần xây dựng và phát triển các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện quốc tế.

Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa, lịch sử là nguồn lực quan trọng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.

Tin bài liên quan