Mở không gian phát triển mới cho TP. Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
Cần Thơ là địa phương thứ 22 của cả nước hoàn tất việc thẩm định quy hoạch, tiến tới trình Thủ tướng phê duyệt. Đây sẽ là nền tảng để Cần Thơ khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của mình.
Mở không gian phát triển mới cho TP. Cần Thơ

Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhất trí thông qua Dự thảo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội nghị vào đầu tuần này, với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Như vậy, Cần Thơ đã trở thành địa phương thứ 22 được Hội đồng thẩm định tỉnh thông qua Dự thảo Quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện, thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.

Riêng với Cần Thơ, xây dựng quy hoạch càng có ý nghĩa quan trọng, khi là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí và vai trò là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị TP.HCM - Cần Thơ, nằm trong tứ giác trung tâm vùng.

“Cần Thơ được cả nước xác định là trung tâm của ĐBSCL, nhưng mới chỉ nằm giữa ĐBSCL nếu xét trên khía cạnh vị trí. Khái niệm trung tâm với sức hút, sức mạnh về kinh tế, có khả năng lan tỏa thì Thành phố chưa có”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ về khó khăn của Thành phố.

Do đó, Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá nhằm đánh thức các tiềm năng và lợi thế của Cần Thơ. Để hiện thực hóa các mục tiêu, Quy hoạch xác định giao thông đường bộ là huyết mạch để kết nối liên vùng. Khung kết nối gồm 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến quốc lộ, 1 tuyến liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh, các trục chính đô thị và tuyến vành đai.

Song song với đó, phát triển đường thủy nội địa và kiến thiết hạ tầng đường biển đảm bảo lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu. Từ đó, xây dựng hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng nhất cho xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL trong vài thập kỷ tới.

Thành phố cũng định hướng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ liên vận quốc tế, đồng thời quy hoạch trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với cảng hàng không này, phát triển một vùng đô thị cảng hàng không rộng hàng chục ngàn hecta để trở thành cửa ngõ hàng không xứng tầm của vùng…

Vấn đề không gian phát triển cũng là một trong các trọng tâm của Quy hoạch TP. Cần Thơ. Theo đó, Thành phố định hướng phát triển hai trung tâm kinh tế động lực gồm: phía Bắc, từ Thốt Nốt kéo dọc theo Quốc lộ 80 và Cao tốc Lộ Tẻ, Rạch Sỏi; phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Cụm phía Bắc thiên về công nghiệp; cụm phía Nam đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ. Hai cụm được kết nối bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu.

Góp ý cho bản quy hoạch, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, đối với quan điểm mục tiêu, Cần Thơ cần phải có đánh giá phương án phát triển, tính kết nối, phương thức xanh và logisitics dựa vào nền tảng công nghệ cao để Thành phố hướng tới trung tâm logisitics trọng điểm, có sức cạnh tranh nổi bật trong Vùng ĐBSCL.

Nhấn mạnh vấn đề phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, Cần Thơ cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển vùng động lực ĐBSCL tại Quy hoạch Tổng thể quốc gia, đặc biệt là kết nối các tuyến đường cao tốc, trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ; hệ thống đường ven biển qua các tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, bản quy hoạch sau khi được Hội đồng thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ giúp mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương để trở thành trung tâm của Vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng.

Tin bài liên quan