VN-Index: Mô hình thu hẹp biến động đang hình thành
Diễn biến đi ngang của VN-Index phần nào phản ánh các yếu tố tích cực trong nước, bao gồm sự ổn định chính trị và sự phục hồi kinh tế. Dù chưa bứt phá, thị trường vẫn duy trì nền giá trước những biến động lớn của thế giới. Cuối tuần qua, chỉ số đóng cửa ở mức 1.276 điểm, tăng 0,07% so với cuối tuần trước đó. So với 1 năm trước, VN-Index tăng 0,01%, trong khi thị trường Thái Lan giảm 8,3%, Indonesia giảm 6,54%, Malaysia giảm 2,88%, Ấn Độ giảm 2,22%, Singapore tăng 1,94%.
VN-Index tiếp tục có xu hướng tích cực trên biểu đồ tháng, giao dịch trên cả đường trung bình động 50 ngày và 200 ngày. Điều kiện thị trường tương tự giai đoạn trước Tết Nguyên đán, với sự phân hóa rõ nét giữa nhóm cổ phiếu có lợi nhuận mạnh và nhóm kém hiệu quả. Một điểm đáng chú ý là mô hình thu hẹp biến động đang hình thành, bất chấp sự gia tăng biến động trên thị trường toàn cầu.
Phân tích các nhịp điều chỉnh của chỉ số trong 12 tháng qua cho thấy, biên độ giảm dần theo từng sóng: sóng 1 điều chỉnh 9% từ đỉnh, sóng 2 giảm 7,88%, trong khi sóng 3 chỉ còn 4,7%. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đã thu hẹp kể từ tháng 4/2024.
Trong giai đoạn tích lũy đi ngang, VN-Index duy trì trên các đường trung bình động quan trọng, đồng thời biến động giá giảm dần (các nhịp điều chỉnh ngày càng nông hơn) và thanh khoản suy yếu thể hiện thị trường đang cân bằng hơn sau giai đoạn biến động mạnh. Đáng chú ý, bất chấp dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng, nhà đầu tư trong nước - hiện chiếm khoảng 90% thanh khoản - đang dẫn dắt xu hướng của thị trường. Ngoài ra, Việt Nam hiện chưa trở thành mục tiêu của các biện pháp thuế quan từ Mỹ, tạo thêm một điểm sáng, dù vẫn cần theo dõi rủi ro trong dài hạn.
Theo đánh giá của chúng tôi, áp lực bán ròng từ khối ngoại đã qua giai đoạn cao điểm năm 2024. Do đó, bất chấp những rủi ro địa chính trị trên thế giới tác động, chúng tôi kỳ vọng, thị trường Việt Nam sẽ dần ổn định, với các nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật (dưới 10% từ đỉnh gần nhất) và tích lũy.
![]() |
Thuế quan Mỹ: Không nhắm vào Việt Nam
Ngày 11/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tăng thuế nhập khẩu nhôm từ 10% lên 25% và tái áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu, có hiệu lực từ 4/3/2025. Chính sách này tác động đến các quốc gia xuất khẩu thép lớn như Canada, Mexico, Brazil, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo HSC, quyết định này có thể giúp thép Việt Nam cải thiện vị thế tại Mỹ. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam bị áp thuế 25%, trong khi các nước đồng minh Mỹ được miễn, gây bất lợi về giá. Tuy nhiên, nguy cơ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vẫn là yếu tố cần lưu ý.
Ngoài ra, ông Donald Trump đã chỉ đạo nghiên cứu kế hoạch áp thuế quan đối ứng với các nước đang đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ áp mức thuế tương đương nhằm đảm bảo sự công bằng trong thương mại. Mục tiêu chính bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, với trọng tâm là các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và một số mặt hàng đứng trước nguy cơ bị đánh thuế là ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm. Điểm nhấn ở đây là Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị Mỹ áp thuế, đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu ngày càng siết chặt.
Trong cuộc gặp gỡ mới đây với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper khẳng định, chính sách thương mại mới của Mỹ hướng đến việc thúc đẩy thương mại công bằng, đồng thời bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, quyền lợi người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm vào Việt Nam. Mỹ cam kết duy trì quan hệ song phương và mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam theo hướng tích cực.
![]() |
Cải cách thuế bất động sản: Kiểm soát đầu cơ
Trong tuần qua, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế thu nhập cá nhân lũy tiến đối với chuyển nhượng bất động sản, dựa trên thời gian nắm giữ. Hiện tại, quy định về thuế thu nhập cá nhân chưa phân biệt giữa sở hữu ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, một loạt nghị quyết của Chính phủ đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc kiểm soát đầu cơ như Nghị quyết 06 (2022) đề xuất hoàn thiện khung thuế, phí nhằm khuyến khích sử dụng đất và nhà ở hiệu quả, Nghị quyết 18 (2022) kêu gọi áp thuế cao hơn đối với cá nhân sở hữu nhiều đất đai, nhiều bất động sản hoặc tham gia giao dịch mang tính đầu cơ, Nghị quyết 62 (2022) về việc tăng cường giám sát thuế đối với giao dịch bất động sản nhằm giảm trốn thuế, đồng thời đảm bảo ổn định thị trường và tính bền vững của doanh nghiệp.
Dựa trên các mô hình quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu thêm về khung thuế theo bậc, tương tự Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Được biết, tại Singapore, lãi vốn từ bán bất động sản chịu thuế 100% nếu giao dịch trong năm đầu tiên, giảm xuống 50% sau hai năm và giảm xuống 25% sau ba năm. Trong khi đó, Đài Loan áp dụng thuế 45% đối với giao dịch trong vòng hai năm, giảm dần xuống 35% cho giai đoạn 2 - 5 năm, xuống 20% cho giai đoạn 5 - 10 năm và xuống 15% sau 10 năm. Nếu các chính sách tương tự trong khu vực được xem xét áp dụng, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các dự án mới, có thể chịu tác động trong ngắn hạn. Theo các nhà phát triển bất động sản, khoảng 70% người mua giai đoạn đầu tại các dự án mới là nhà đầu tư lướt sóng. Do đó, việc áp thuế có thể làm giảm tỷ lệ hấp thụ.
Tuy nhiên, về dài hạn, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, các biện pháp này có thể giúp kiểm soát “bong bóng”, ổn định giá nhà, cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
![]() |
Giữa biến động toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đột phá năm 2025
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và bất ổn kinh tế quốc tế gia tăng, Chính phủ vừa đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức từ 8% trở lên, vượt mức 6,5 - 7% đã được Trung ương và Quốc hội thông qua. Kế hoạch này đặt kỳ vọng đưa quy mô GDP vượt 500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người trên 5.000 USD.
Năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đánh dấu giai đoạn nước rút của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, là năm tăng tốc, bứt phá và về đích. Để hiện thực hóa mục tiêu, Chính phủ đề xuất nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên 174 tỷ USD (tương đương 33,5% GDP), tăng thêm 3 tỷ USD so với kế hoạch trước đó. Cụ thể: đầu tư công 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, tăng thêm 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu), đầu tư tư nhân 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD, đầu tư khác 14 tỷ USD.
Động thái này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội chuyển mình, duy trì đà phát triển và khẳng định vị thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Ngoài ra, với một lượng lớn tiền mặt được dùng cho việc tinh gọn bộ máy, nền kinh tế sẽ được nhận thêm một khoản tiền lớn (ước tính 130.000 tỷ đồng) và có thể phần nào hỗ trợ tiêu dùng.
Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)