Mô hình SCIC: Xu hướng quản trị vốn hiện đại

Mô hình SCIC: Xu hướng quản trị vốn hiện đại

(ĐTCK) Mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung tại Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phát huy hiệu quả, thể hiện qua kết quả năm 2012, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2011.

Với khung pháp lý ở cấp nghị định dự kiến được ban hành ngay trong quý I, hoạt động của định chế tài chính này sẽ ngày một chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

 

Về đích sớm

Năm 2012, SCIC thuộc top doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong số 73 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng (không tính khoản thu cổ tức 2.100 tỷ đồng đã nộp thuế trước khi chuyển về SCIC), tăng 83%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân đạt 22%, tăng 32%.

Tính đến cuối năm 2012, SCIC đã thực hiện bán vốn tại gần 600 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn 2 lần cho thấy đồng vốn Nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn tạo thêm giá trị gia tăng. Danh mục đầu tư  của Tổng công ty cũng có sự gia tăng đáng kể, tại thời điểm 31/12/2012, tổng giá trị theo sổ sách kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, trong khi giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng.

Không chỉ thực hiện tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại DN, SCIC còn đem lại các giá trị gia tăng cho DN trong danh mục quản lý thông qua việc giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thông qua đó gia tăng giá trị của DN và phần vốn nhà nước tại DN. Trên thực tế, hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Đơn cử, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) lũy kế thu cổ tức về cho cổ đông Nhà nước đến nay đã đạt hơn 2.600 tỷ đồng (gấp hơn ba lần số vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt hơn 40%/năm trong ba năm qua. CTCP Viễn thông FPT lũy kế đến nay đã thu cổ tức gần 500 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần giá trị vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất ROE trong ba năm qua trung bình đạt trên 70%/năm. Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Việt Nam (VINARE) có tổng lợi nhuận trước thuế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 68,58%/năm.

 

Khẳng định mô hình SCIC

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank), hiện nay, các quốc gia đang từ bỏ mô hình phân cấp và tiến tới mô hình tập trung nhằm làm rõ và tăng cường vai trò sở hữu nhà nước, đảm bảo thực thi đồng nhất, tập trung kỹ năng và nguồn lực vào một nơi, tách biệt chức năng sở hữu nhà nước khỏi chức năng quản lý nhà nước để giảm thiểu hoặc tránh các xung đột lợi ích tiềm tàng.

Đánh giá về mô hình SCIC, Bộ Chính trị trong Kết luận số 78 vào tháng 10/2009 đã chỉ đạo cần tiếp tục củng cố, phát huy mô hình này. Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đặt SCIC là Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là một trong 5 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt có điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ trực tiếp ban hành (cấp nghị định). Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao.

Nghị định 99/2012/NĐ-CP cũng  khẳng định vai trò của SCIC trong việc tiếp nhận và quản lý phần vốn Nhà nước tại DN. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ, thể chế cho hoạt động của SCIC, trong đó có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ mới của SCIC dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý I/2013.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, năm 2013, trên cơ sở nghị định và điều lệ mới của SCIC, Tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển của Tổng công ty đến 2020, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược trên nguyên tắc hiệu quả, trong đó quan tâm đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản..., tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Cụ thể hóa chiến lược này, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Đầu tư SCIC (SIC) nhằm chuyên môn hóa hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đầu tư. SIC sẽ thực hiện đồng thời 2 chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án. Đây là một trong những động thái cho thấy hoạt động của SCIC đang ngày càng chuyên nghiệp hơn, thể hiện qua việc tách bạch công tác đầu tư với công tác quản lý vốn, công tác chuyên môn khác của các ban chức năng đang thực hiện hiện nay tại SCIC.