Là người tham gia soạn thảo và theo dõi áp dụng Luật, đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị mới, thưa ông?
Đến thời điểm này, chúng tôi chưa có con số thống kê chính thức về số lượng công ty áp dụng mô hình quản trị mới là lập Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị để thay thế cho mô hình quản trị cũ là thành lập Ban kiểm soát, nhưng thực tế chưa nhiều công ty áp dụng.
Qua tham gia tư vấn cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) áp dụng mô hình quản trị mới, đáng mừng là tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty mới đây, Đại hội đã thông qua phương án chuyển từ mô hình Ban kiểm soát sang mô hình Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị, với việc tăng từ 2 lên 5 thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong tổng số 9 thành viên Hội đồng quản trị.
Khi đưa mô hình quản trị mới này vào Luật Doanh nghiệp, nhà làm luật mong muốn các công ty niêm yết sẽ đổi sang mô hình quản trị mới với nhiều ưu điểm, nhưng thực tế diễn ra chậm. Dẫu vậy, từ VNM là công ty tiên phong trong áp dụng mô hình quản trị mới này, kỳ vọng sẽ dần lan tỏa ra nhiều doanh nghiệp khác.
Đây là mô hình quản trị phổ biến ở Anh và Mỹ. Bởi vậy, việc VNM áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ quốc tế sẽ hỗ trợ Công ty tốt hơn trong đàm phán với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài vì họ tin cậy hơn vào mô hình quản trị này.
Vì sao nhiều doanh nghiệp không mặn mà với mô hình quản trị mới, theo ông?
Ông Phan Đức Hiếu
Theo chuyên gia quốc tế, nếu như tiến trình cải thiện chất lượng quản trị công ty trải qua 4 giai đoạn gồm: thức tỉnh doanh nghiệp quan tâm đến quản trị công ty; nâng cao nhận thức, thúc đẩy đào tạo về quản trị công ty; có chế tài đảm bảo cưỡng chế thực thi và cuối cùng là thay đổi văn hóa quản trị doanh nghiệp, thì Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên, nghĩa là đang trong quá trình thức tỉnh doanh nghiệp.
Trong khi mức độ thức tỉnh còn hạn chế, cộng với tâm lý ngại đổi mới, các cơ chế khuyến khích, cũng như cưỡng chế thực thi về quản trị công ty chưa đầy đủ và đồng bộ, nên thiếu động lực thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới quản trị.
Ông có thể chỉ ra những điểm bất lợi của mô hình quản trị cũ và những lợi ích nổi trội của mô hình quản trị mới?
So với các mô hình quản trị ở các loại hình doanh nghiệp khác, thì mô hình quản trị ở công ty cổ phần là hiện đại và tiến bộ hơn cả, đây cũng là mô hình quản trị công ty đắt đỏ nhất hiện tại.
Dẫu vậy, tại Việt Nam, hiện có tới 99,9% công ty vận hành theo mô hình quản trị cũ đang bộc lộ không ít bất cập, ảnh hưởng đến tính khách quan, gây nên những xung đột lợi ích, làm khó cho doanh nghiệp giao kết làm ăn, hội nhập quốc tế...
Một ví dụ điển hình cho tình trạng này mà tôi chứng kiến là giám đốc của một số công ty con ngồi trong Hội đồng quản trị của công ty mẹ (hoạt động theo mô hình tập đoàn), dẫn đến phá hủy chức năng quản trị của cả hệ thống.
Ở đây xuất hiện cuộc chơi khó đảm bảo sự tin cậy khi nhân sự Hội đồng quản trị ở công ty con ủng hộ tập đoàn trong việc thông qua các quyết sách; đáp lại, nhân sự ở tập đoàn ủng hộ các quyết sách của công ty con. Đây là trường hợp xấu về quản trị công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn.
Trong khi đó, mô hình quản trị mới (không có Ban kiểm soát) theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế đang được vận hành mang lại nhiều ưu điểm như: là bộ phận thường trực tiếp nhận thông tin liên quan đến chuẩn mực đạo đức trong hoạt động kinh doanh; báo cáo và kiến nghị Hội đồng quản trị các vấn đề cấp thiết phải thay đổi hoặc hoàn thiện; xem xét, đánh giá hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của công ty; theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ…
Bởi vậy, sau thời gian mô hình quản trị mới phát huy tính ưu việt trên thực tế, cộng với doanh nghiệp vượt qua được tâm lý e ngại trong đổi mới mô hình quản trị, cũng như mức độ hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam sâu hơn với quốc tế, thì mô hình quản trị mới nhiều khả năng sẽ dần được áp dụng rộng rãi.