mức phụ tải cao nhất trong đợt nắng nóng từ ngày 22-24/5 là hơn 203 triệu KWh. (Ảnh: Đức Thanh)

mức phụ tải cao nhất trong đợt nắng nóng từ ngày 22-24/5 là hơn 203 triệu KWh. (Ảnh: Đức Thanh)

Mô hình Công ty Mua bán điện: Mua của mình để bán cho mình

(ĐTCK-online) Hơn 203 triệu kWh điện là mức phụ tải cao nhất có thể đo được trong đợt nắng nóng từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 5 vừa qua (không tính các khu vực sử dụng điện mua từ Trung Quốc).

Con số này tuy cao hơn tương đối so với thực tế phụ tải 188 triệu kWh được xác lập trước đợt nắng nóng này, nhưng đó chắc chắn không phải là mức phụ tải cao nhất trong năm 2007, bởi thông thường cao điểm này diễn ra vào khoảng tháng 8 hàng năm. Dẫu vậy, con số tiêu thụ điện này cũng không phản ánh chính xác nhu cầu về điện của nền kinh tế, bởi với công suất lắp đặt của các nhà máy điện hiện có, mức phụ tải cao nhất mà Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) có thể đo được cũng chỉ dao động quanh mốc 205 triệu kWh.

Vì vậy, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định không cắt điện trong tháng 5 và tháng 6, nhưng thực tế những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, điện vẫn bị cắt ở một số nơi khi nhu cầu sử dụng điện tăng.

Với thực tế hệ thống không có dự phòng, việc vận hành thị trường điện cạnh tranh đã mất đi ý nghĩa, bởi tất cả các nguồn điện đều được huy động. Chẳng vậy, mà thị trường điện nội bộ của EVN được “rầm rộ” quảng bá khi bắt đầu vận hành thí điểm vào tháng 12/2006, nhưng tới giờ vẫn chưa có một tổng kết chính thức nào về thời gian thí điểm, dù có lúc thị trường phải dừng vì thiếu điện. Nhưng dù hệ thống chưa thể đạt mức dự phòng 20% - mức tối thiểu để tạo ra cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong chào giá điện hay hành lang pháp lý để vận hành thị trường điện còn đang xây dựng, nhưng EVN vẫn khẳng định quyết tâm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2008.

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, EVN cũng đang xúc tiến cho sự ra đời của Công ty Mua bán điện (EPTC). Theo mô hình được EVN đề xuất tới các cổ đông tiềm năng là những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước mới đây, EPTC sẽ vẫn là doanh nghiệp nhà nước 100%. Tuy nhiên, EPTC chỉ phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp, chứ không phải là những người tiêu dùng cụ thể, bởi các doanh nghiệp nhà nước ngoài EVN như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than – Khoáng sản, TCT Xi măng, TCT Sông Đà, TCT Lắp máy... chiếm 49% vốn điều lệ và 51% còn lại do EVN nắm giữ (được đóng góp bởi Công ty mẹ - EVN; các công ty điện lực 1, 2 và 3; một số công ty sản xuất điện của EVN đã cổ phần).

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, mô hình EPTC với các cổ đông như đề xuất của EVN có hình thức sở hữu không rõ ràng. Các cổ đông ngoài EVN khi đó vừa là người sản xuất điện, nhưng cũng đồng thời là người mua điện do mình sản xuất ra và lại bán điện cho chính mình. “Với hình thức này, vấn đề quyền lợi của các cổ đông, chia sẻ rủi ro, quản lý chi phí sẽ không rõ ràng. Việc giám sát chi phí của các cổ đông có sản xuất điện, của công ty mua bán điện, của những doanh nghiệp tiêu dùng điện khó rành mạch, bởi bản thân mỗi doanh nghiệp đều đóng nhiều vai khác nhau trong dây chuyền sản xuất - tiêu thụ điện và đều có quyền lợi riêng ở từng khâu”,  ông Thắng nói.

Mô hình EPTC dự tính trên không có đại diện người tiêu dùng và đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nên người tiêu dùng cụ thể không có cơ hội được hưởng lợi thông qua giá điện được tính đúng, tính đủ trên thị trường phát điện cạnh tranh thực sự.

Bên cạnh đó, giá điện vẫn đang được Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết tới biểu giá bán lẻ và khả năng tự do hoá giá bán lẻ chắc không dễ thực hiện tới trước năm 2015. Vì vậy, mức lợi nhuận sau thuế là 5% trên vốn điều lệ của EPTC chỉ là “tưởng tượng” khi đầu vào luôn có chiều hướng gia tăng trong khi đầu ra vẫn bị giám sát.

Dẫu vậy, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN cho rằng, với trách nhiệm đảm bảo điện cho nền kinh tế, EVN đang phải “mua điện giá cao, nhưng lại bán giá thấp”, mà vẫn chịu được. Như vậy, nếu có thêm 6-7 tập đoàn lớn, thì sao không làm được. Nhưng để tham gia công ty cổ phần mua bán điện, nhằm gánh hộ EVN việc “mua cao - bán thấp” trong thời điểm thế độc quyền doanh nghiệp của ngành điện bắt đầu được điều tiết không phải là mong đợi của các cổ đông.