Mở đường pháp lý cho tái cơ cấu nợ trái phiếu, cần nhưng chưa đủ

Mở đường pháp lý cho tái cơ cấu nợ trái phiếu, cần nhưng chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản đang diễn ra. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, cần nhưng chưa đủ.

Hội nghị thông tin người sở hữu trái phiếu của Tập đoàn Novaland diễn ra giữa tuần trước, chỉ sau 3 ngày Nghị định 08 được ban hành. Các phương án đàm phán mà nhà phát hành đưa ra với các trái chủ không mới vì đã được bàn nhiều, nhưng đều có căn cứ pháp lý dựa trên Nghị định 08. Đó là cho phép thanh toán bất động sản đã mua bằng giá trị trái phiếu, thanh toán trái phiếu bằng bất động sản, lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản sửa đổi điều khoản thanh toán, thời hạn thanh toán…

Trước Novaland, một số doanh nghiệp bất động sản lớn khác đã tổ chức hội nghị trái chủ để thông tin về giải pháp kinh doanh, phương án thanh toán trái phiếu như Vinhomes, Bitexco, Hưng Thịnh. Trong đó, Hưng Thịnh cũng là nhà phát hành phải tính đến phương án thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản của tập đoàn này.

Các chuyên gia trên thị trường đều đánh giá Nghị định 08, với 3 điểm sửa đổi chính là cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, cho phép kéo dài kỳ hạn 2 năm, ngừng áp dụng tiêu chí nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thêm niềm tin cho người sở hữu trái phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân khi đàm phán về các giải pháp thanh toán trái phiếu bằng bất động sản, hay gia hạn thời gian thanh toán.

Tuy nhiên, bà Dương Kim Anh, Giám đốc đầu tư, phụ trách mảng trái phiếu Công ty cổ phần Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, tác động thực sự của các quy định này đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là ẩn số.

Nếu người sở hữu trái phiếu đồng ý chuyển các nghĩa vụ nợ sang tài sản là các bất động sản đang phát triển thì việc tổ chức phát hành đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển sở hữu các bất động sản này cho nhà đầu tư hay chưa, hay tổ chức phát hành có còn khả năng tài chính để hoàn thiện các bất động sản đang phát triển dở dang này nữa hay không là yếu tố quan trọng.

Nếu tổ chức phát hành không hoàn thiện các công trình dở dang, các món nợ chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác và người phải chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là các nhà đầu tư.

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT băn khoăn về sự bất bình đẳng giữa các trái chủ, khi trái chủ trái phiếu đến hạn sớm có cơ hội lựa chọn tài sản tốt hơn trái chủ của các trái phiếu đến hạn sau, hay trái chủ là tổ chức có lợi thế hơn nhà đầu tư cá nhân.

Lo ngại này là thực tế khi nhìn vào trường hợp nhà phát hành lớn trong ngành bất động sản hiện nay là Novaland thì hai ngân hàng là hai trái chủ lớn đã nắm giữ các tài sản đảm bảo có pháp lý sạch nhất.

Quy định kéo dài thời hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm được xem là mở lối thoát hiểm cho một số nhà phát hành ở thời điểm này. Tuy nhiên, từ góc độ trái chủ thì quy định này có thể tạo tiền lệ để nhà phát hành “chây ì trả nợ” và trái chủ sẽ mất thêm nhiều thời gian đàm phán trước khi có thể đưa ra tòa án để phân xử, xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ… Điều này phần nào có thể khiến nhà đầu tư e ngại tham gia vào thị trường trái phiếu lúc này, kể cả khi có khoản trái phiếu chiết khấu đủ lớn.

Trước mắt, Nghị định 08 đã tạo ra một không gian trống nhất định cho các doanh nghiệp có thể “thở”, suy nghĩ và hành động để có giải pháp ứng phó với tình huống cấp bách khi đáo hạn trái phiếu.

TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM nhận định, thời gian dễ thở kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào các chính sách liên quan về lãi suất và các gói hỗ trợ của Nhà nước cũng như khả năng tài chính, khả năng hấp thụ chính sách của các doanh nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp không có hành động kịp thời, cơ cấu lại vốn, dòng tiền, cũng như cơ quan quản lý không tháo gỡ những điểm vướng mắc trong kinh doanh, đặc biệt đối với bất động sản thì thời gian 2 năm gia hạn nợ chỉ khiến doanh nghiệp chuyển từ trạng thái “chết” ngay sang "chết từ từ" sau 2 năm.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu Vina Capital

Nghị định 08 được ban hành trong ngày Chủ nhật (5/3/2023) và có hiệu lực ngay lập tức cho thấy tính cấp thiết, là những cơ sở ban đầu để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tránh tình trạng đổ vỡ. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục lành mạnh, điểm mấu chốt để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vẫn là sức khỏe của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mà chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản.

Để thị trường bất động sản “hạ cánh mềm” và phục hồi, cần có các biện pháp đồng bộ của các cơ quan liên ngành và doanh nghiệp. Về phía chính sách, việc xử lý điểm nghẽn pháp lý của các dự án bất động sản sẽ giúp cho khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thủ tục và quy trình thực tế sẽ như thế nào; mặt bằng lãi suất thực tế có giảm được không cũng phụ thuộc nhiều yếu tố vĩ mô trong nước như lạm phát, tỷ giá và các yếu tố vĩ mô trên thế giới như việc Fed tăng lãi suất; hay có thể có những gói tín dụng/ưu đãi lãi vay cho những người mua có nhu cầu thực. Về phía doanh nghiệp, cũng cần chủ động tái cấu trúc sản phẩm, giảm giá bán hay bán tài sản để đảm bảo thanh khoản.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT

Nghị định 08 mới chỉ là giải pháp từ Bộ Tài chính. Thị trường cần thêm giải pháp từ phía ngân hàng. Do bị đóng băng thanh khoản, sắp tới, các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản tại các ngân hàng sẽ bị “nhảy nhóm”: nợ bình thường thành nợ xấu, nợ xấu thành nợ xấu hơn. Ngân hàng Nhà nước nên cho phép hoãn nợ hoặc tránh nhảy nhóm nợ.

Tuy nhiên, giải pháp từ ngân hàng này (nếu có) cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bản chất câu chuyện hiện nay của thị trường bất động sản vẫn là vấn đề cung - cầu. Muốn có cầu thì phải điều chỉnh giá bất động sản, nhà đầu tư không thể mua giá cao như trước. Ngân hàng cũng cần hỗ trợ bằng các gói tín dụng ưu đãi cho người mua và người bán.

Với thị trường trái phiếu, cơ quan quản lý cần phải có chính sách tuyên truyền rằng trái phiếu là một khoản nợ, rồi đưa ra những tiêu chuẩn về xếp hạng, rồi có thể có cơ chế cho ngân hàng bảo lãnh, đưa vốn mồi của tổ chức tài chính vào để tạo dựng lại niềm tin với nhà đầu tư cá nhân… Còn về lâu dài, có lẽ phải chờ thêm thời gian để mọi thứ trôi đi, khi tín dụng trở nên dễ dàng hơn, nhà đầu tư quên đi trải nghiệm cũ thì mọi cái mới trở lại bình thường được.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo và phát triển, SSI Research

Để giải quyết hậu quả thị trường trái phiếu như hiện nay tương đối khó, phải quay lại đọc rất kỹ các điều khoản hợp đồng trái phiếu, điều khoản bất khả kháng (chẳng hạn công ty có sai phạm, có vấn đề về sản xuất - kinh doanh…) và tìm đến nhà phát hành để giải quyết ở vấn đề nào.

Giải pháp từ cơ quan quản lý gần đây tôi cho rằng rất tốt, đó là cố gắng niêm yết tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ lên HNX.

Khi đó, thanh khoản trên thị trường thứ cấp sẽ tốt hơn, giúp nhà đầu tư dễ mua bán, thay vì như hiện nay, khi vấn đề xảy ra, nhà đầu tư cũng không biết mua hay bán như thế nào.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC

Điều quan trọng nhất là thị trường cần minh bạch hơn. Doanh nghiệp phát hành cần trung thực, thẳng thắn, công bố thông tin đầy đủ và có kiểm toán độc lập chất lượng. Xếp hạng tín nhiệm cũng là một hướng cần triển khai.

Hiện chúng ta nói việc này mơ hồ, nhưng không làm thì không bao giờ làm được. Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu cũng phải nhận thức rõ về rủi ro, quyền lợi của sản phẩm trái phiếu, tránh hiểu không đúng, dẫn đến không lường trước được rủi ro khi đầu tư như hiện nay.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank

Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ là bước đầu tiên tạo khung pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung. Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành. Quá trình được dự báo tương đối phức tạp phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt.

Nhìn dài hơn, các khó khăn trung hạn cần tháo gỡ của thị trường trái phiếu gồm khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế. Cần nhiều hơn những giải pháp nhằm vực dậy niềm tin với thị trường trái phiếu. Biện pháp cần thiết nhất lúc này vẫn là cải thiện sự minh bạch thông tin, khả năng tiếp cận thông tin của các trái chủ thông qua người đại diện sở hữu trái phiếu về trạng thái trái phiếu, thông tin tài chính doanh nghiệp, hiện trạng tài sản đảm bảo.

Trong trường hợp chậm thanh toán gốc lãi, thông tin về các tài sản khác, định giá tài sản, lộ trình chi trả dự kiến sẽ là điều được nhà đầu tư quan tâm. Thêm vào đó, những lo ngại về thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình hình hoạt động của chính doanh nghiệp phát hành nếu có những biện pháp hỗ trợ, ít nhất là trong ngắn hạn, cũng có thể tạo ra tác động tích cực với tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư.

Có sự bất cân xứng thông tin giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành, giữa các trái chủ là nhà đầu tư tổ chức hay là nhà đầu tư cá nhân. Theo tôi, càng có nhiều thông tin về trạng thái hiện hành của trái phiếu và dòng tiền nhà phát hành thì sẽ càng có nhiều căn cứ để nhà điều hành, các đại diện trái chủ cũng như tổ chức có quyền lợi liên quan đánh giá tình hình đầy đủ, phân loại trạng thái trái phiếu và có các biện pháp phù hợp hỗ trợ thị trường.

Tin bài liên quan