Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, DNNVV đang chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng mới chỉ đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động và đóng góp 17,26% vào ngân sách nhà nước.
Cũng như nhiều quốc gia APEC, tại Việt Nam, DNNVV được coi là khu vực kinh tế hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và Đầu tư), so với các doanh nghiệp lớn cũng như các thành phần kinh tế khác, khu vực DNNVV vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai và tiếp cận thị trường.
Cụ thể, theo ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp, mặc dù Việt Nam có tới gần 300 khu công nghiệp, nhưng các DNNVV vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh những thách thức này, DNNVV Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản từ môi trường kinh doanh, trong đó vấn đề chi phí kinh doanh quá cao do chi phí chính thức và cả chi phí không chính thức vẫn tồn tại phổ biến và được đánh giá là cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đây chính là những rào cản rất lớn đang làm suy giảm năng lực cạnh tranh, cũng như hạn chế sự phát triển của DNNVV.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, đây cũng là lý do hỗ trợ DNNVV là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam. Việc Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành là minh chứng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển tương xứng với vai trò xương sống trong nền kinh tế.
Đánh giá về quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam, ông John Hill - quyền Phó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, DNNVV Việt Nam đang đứng trước thách thức chi phí hoạt động cao, chi phí nhân công, vận tải cao, đối mặt với sự yếu kém về cạnh tranh do hiệu suất lao động thấp, người lao động thiếu tay nghề, từ đó cản trở khu vực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, với những cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua bộ luật hỗ trợ dành riêng cho DNNVV, đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy khu vực này vươn lên phát triển trong thời gian tới với những cơ chế hỗ trợ thiết thực về tín dụng, thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như những mô hình vườn ươm
doanh nghiệp.
Thông tin từ ông Hồ Sỹ Hùng, tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trong khuôn khổ APEC 2017 đã chọn chủ đề chính là hỗ trợ DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển.
Cùng với đó, Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC cũng dành thời gian thảo luận về những khó khăn, vướng mắc của khu vực DNNVV trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều thay đổi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong đó, hoạt động chia sẻ kết nối và hợp tác giữa các tập đoàn lớn và DNNVV như mô hình hội thảo tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV do Công ty P&G toàn cầu phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý, quản trị cũng như cơ hội chia sẻ thông tin tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho DNNVV Việt Nam.