Mở đường cho doanh nghiệp được “chôn”

Mở đường cho doanh nghiệp được “chôn”

(ĐTCK) Với các quy định mới của Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, thủ tục phá sản doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn so với trước.

Sau 10 năm thực thi Luật Phá sản 2004, mới phá sản được 84 trường hợp, dù số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012 lên tới hơn 50.000 doanh nghiệp. Do vậy, những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tổ chiều 18/11 tập trung vào những khiếm khuyết của Luật Phá sản 2004 để đảm bảo khi Luật Phá sản (sửa đổi) được ban hành có thể thực thi, phù hợp thực tiễn.

Tại dự thảo luật trình Quốc hội lần này, dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định: doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản khi có khoản nợ không có bảo đảm hoặc được bảo đảm một phần đã đến hạn, không có tranh chấp và chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán  khoản nợ đến hạn đó. Như vậy, Ban soạn thảo đã bỏ yếu tố định lượng khoản nợ từ 200 triệu đồng trở lên.

Về quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, dự thảo luật đề xuất hai phương án, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Hoặc là quy định định lượng khoản nợ là 200 triệu đồng.

Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với quy định về nhận diện doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, nhưng còn băn khoăn về “không có tranh chấp”.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định này cần xem xét lại bởi vì để tránh phá sản người ta có thể tạo tranh chấp. Nhiều khi khoản nợ được thừa nhận hàng năm, nhưng khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì người ta có thể tạo ra tranh chấp, thậm chí chủ động khởi kiện bởi nếu đã có tranh chấp thì Tòa án không thụ lý đơn yêu cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong.

Về quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu, hầu hết các ý kiến đều tán thành phương án 1, tức là chỉ cần có nợ quá hạn không thanh toán thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu. Tất nhiên khoảng cách từ nợ quá hạn không thanh toán đến phá sản còn rất xa và còn phải xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố khác. Do đó, nên quy định như vậy để tranh làm mất quyền của chủ nợ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Luật Phá sản 2004 không phát huy tác dụng trong thực tế là vì chúng ta có xu hướng nghĩ rằng phá sản nghĩa là chết, doanh nghiệp sinh ra, phát triển, suy giảm rồi phá sản - chết. Nhưng phá sản không có nghĩa là chết, có thể có trường hợp phục hồi khi hội nghị chủ nợ ra quyết định hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại. Chẳng hạn trường hợp General Motor đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2009 nhưng với sự hỗ trợ nhiều bên trong đó có Chính phủ, hãng xe này đã phục hồi.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng Luật Doanh nghiệp quá dễ dàng trong việc khai sinh doanh nghiệp nên nhiều khi doanh nghiệp không có khả năng tiếp tục hoạt động, chủ doanh nghiệp cứ “vứt đấy” không còn khai tử thì đã tiếp tục khai sinh doanh nghiệp mới. Do đó, có ý kiến cho rằng, cần gắn khai sinh - khai tử doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp được khai sinh, qua quá trình hoạt động nay trong trình phá sản thì phải giải quyết xong mới được lập doanh nghiệp mới.

>> Lộ diện “cái chết riêng” cho CTCK

>> Định rõ cơ chế phá sản CTCK, công ty QLQ

>> Luật Phá sản dưới góc nhìn luật sư

>> DN vui mừng phá sản

>> Luật Phá sản đã… phá sản

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế