Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Việt Nam cần tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình hội nhập, đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình tham gia AEC vào cuối năm 2015, bởi theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC.
Ở một nghiên cứu khác, PGS. TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cũng chỉ ra rằng, dự báo của ILO cho thấy, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Trong đó, các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Theo phân tích của TS. Tiến, trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%; nhu cầu với lao động có trình độ kỹ năng thấp tăng khoảng 23% và với lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và như vậy, quá trình tham gia AEC sẽ mang lại cơ hội việc làm, cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người.
Bên cạnh việc gia nhập AEC, năm 2015 là năm đánh dấu mốc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, với hiệp định thương mại tự do ở mức cam kết cao như TPP, việc hoàn thành ký kết và tham gia của Việt Nam cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực. Theo dự báo của ông William Smith, Chuyên gia nghiên cứu về lao động thuộc Viện Phát triển hải ngoại của Anh, nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là trong các ngành điện tử và dệt may, bởi đây là những ngành sẽ được hưởng những lợi ích lớn ngay sau khi Việt Nam ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định TPP, cũng như từ một loạt các xu thế chuyển dịch đầu tư tới đây.
“Có thể thấy, nhu cầu lao động tại Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ một số yếu tố lớn, theo đó, sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là từ lợi ích tiềm ẩn của TPP đối với các ngành xuất khẩu như da giày, dệt may, điện tử, bởi đây là những ngành sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, thứ hai là xu hướng nhiều công ty đa quốc gia rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và một phần trong số đó dự báo sẽ có nhu cầu chuyển dịch vào Việt Nam. Thứ ba là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ Hiệp định TPP. Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động”, ông William phân tích.
Việc Việt Nam gia nhập AEC và ký kết các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong nước, mà lao động Việt Nam còn có cơ hội sang làm việc tại các thị trường khu vực, đặc biệt là đối với lực lượng lao động có chất lượng cao khi được tự do di chuyển trong khu vực. Ông Tiến cho biết, dự kiến trong năm 2015, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, các chuyên gia, thợ lành nghề thuộc lực lượng lao động có chất lượng cao, đặc biệt là các nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ nhất là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Đây sẽ là những cơ hội lớn cho nguồn lao động có chất lượng cao của Việt Nam tương tác, cọ xát, để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp ở các nước tiên tiến trong khu vực, từ đó làm tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, chuyên nghiệp.
Với các nhà tuyển dụng lao động trong nước, cơ hội tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cũng gia tăng khi thị trường lao động được mở ra trong khối ASEAN, người lao động không còn bị hạn chế di chuyển bởi rào cản biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội lớn thì theo các chuyên gia, quá trình hội nhập thị trường lao động khu vực cũng sẽ khiến thị trường lao động Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn, nếu cơ cấu lao động không có sự chuyển dịch theo hướng giảm bớt lao động chất lượng thấp và hướng tới nâng cao số lao động lành nghề, có kỹ năng và kỷ luật tốt có khả năng tạo ra năng suất lao động cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo TS. Tiến, việc gia nhập AEC và các tổ chức thế giới khác sẽ cho phép Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu trên cơ sở tăng năng suất và kỹ năng của người lao động. Tuy nhiên, các lợi ích về kinh tế và việc làm từ AEC sẽ không được phân chia đồng đều. Nếu quản lý không tốt, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội mà AEC tạo ra.
“Khi chính thức thành lập, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Sự tự do này vừa là cơ hội song cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Ngoài ra, khi tham gia AEC, bên cạnh việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC. Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”, bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải học hỏi, cập nhật kỹ năng mới”, ông Tiến khuyến nghị.
Về phía các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong nước, các chuyên gia cũng khuyến nghị, một khi thị trường lao động được mở rộng hơn, mang tính cạnh tranh hơn, nếu không xây dựng được chiến lược nhân sự bài bản, có chính sách trọng dụng nhân tài, các doanh nghiệp Việt sẽ khó giữ chân nhân sự giỏi. Trong khi đây lại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước.