PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Du lịch thế giới đang rục rịch khởi động lại nhờ “hộ chiếu vắc-xin”. Ông nhận định thế nào về việc đón khách quốc tế sở hữu “hộ chiếu vắc-xin” mà một số quốc gia đang có kế hoạch triển khai?
Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 vừa xuất hiện tôi đã dự báo du lịch quốc tế chỉ có thể mở lại khi thế giới và Việt Nam có vaccine. Và bây giờ thì vaccine đã có và được triển khai tiêm phòng ở nhiều nước trên giới cũng như ở Việt Nam.
Ngay lập tức, nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Mỹ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Israel, Trung Quốc, Thái Lan,...) có kế hoạch và cân nhắc ủng hộ việc ban hành “hộ chiếu vaccine” hoặc “giấy thông hành xanh” nhằm giúp thúc đẩy thông thương, cho phép người dân dịch chuyển – đi lại trong điều kiện “bình thường mới”.
Tôi cho rằng, ý tưởng này hay nhưng không mới, và sẽ gây nhiều tranh cãi do tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Ở góc độ là khách du lịch, tôi đã từng sang một số nước Châu Phi và cũng đã từng phải tiêm vaccine phòng chống bệnh sốt vàng da (khi có giấy chứng nhận tiêm phòng mới được vào Châu Phi) thì tôi cho rằng, “hộ chiếu vaccine” có tính chất tương tự và tôi ủng hộ việc xem xét lưu hành hộ chiếu này để tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế dịch vụ du lịch ở một “quy mô cho phép”.
Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn, vì sao “ý tưởng hay, nhưng lại gây tranh cãi”?
Dưới lăng kính của nhà quản lý hay nghiên cứu du lịch, đòi hỏi cần có cái nhìn thận trọng hơn về hộ chiếu này. Trước hết, phải khẳng định rằng “hộ chiếu vắc-xin” không phải là tấm giấy thông hành đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mọi du khách, điểm gửi khách và điểm đón khách du lịch.
Mặt khác, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền tự do đi lại của du khách, cũng như kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người chưa có “hộ chiếu vắc-xin”, hay không có điều kiện tiêm phòng.
Ngoài ra, còn có những e ngại khác liên quan đến sự bình đẳng trong phân bổ vắc-xin giữa các quốc gia, hay tính chất bảo mật và an toàn của “hộ chiếu vắc-xin”...
Với điều kiện Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, chúng ta sẽ không thể áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” trên diện rộng cho tất cả các quốc gia, mà có thể cân nhắc cho phép áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” ở quy mô hẹp, với những thị trường du lịch quốc tế kiểm soát tốt Covid-19.
Một số quốc gia đã rút ngắn thời hạn cách ly đối với những du khách có chứng nhận đã tiêm vắc-xin và chỉ triển khai đón khách đến những nơi biệt lập, Việt Nam có học cách làm này không, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc áp dụng cách làm này là khả thi và nên khuyến khích do du khách thông thường đã có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19, hơn thế nữa, lại đã tiêm phòng vắc-xin phòng dịch, thì khả năng truyền nhiễm dịch bệnh là rất thấp.
Chúng ta cũng phải tính đến xu hướng nghỉ dưỡng dài ngày cho các đối tượng khách này, vì họ thường là những tập khách có khả năng chi trả cao, có nhu cầu nghỉ dưỡng và mua sắm nhiều hơn là nhu cầu tham quan ở các điểm đến.
Hiện một số quốc gia đã rút ngắn thời hạn cách ly đối với những du khách có chứng nhận đã tiêm vaccine, và chỉ triển khai đón khách đến những nơi biệt lập như resort cách biệt, du thuyền…, Việt Nam có thể học hỏi cách làm này không, thưa ông?
Tôi cho rằng việc áp dụng cách làm này là khả thi và nên khuyến khích do du khách thông thường đã có giấy chứng nhận âm tính với Covid, hơn thế nữa lại đã tiêm phòng vaccine phòng dịch, thì khả năng truyền nhiễm dịch bệnh là rất rất thấp.
Việt Nam với địa hình ba phần núi, bốn phần biển, một phần đồng bằng (tam sơn, tứ hải, nhất phần điền), bờ biển trải dài 3.260 km bờ biển từ Bắc vào Nam, có lợi thế với nhiều khu nghỉ dưỡng (resort) cách biệt ở các vùng miền, những nơi có thể tổ chức nhiều loại hình, dịch vụ du lịch với tính chất nhóm nhỏ, biệt lập, đảm bảo ở mức độ an toàn phòng chống dịch cao nhất.
Chúng ta cũng phải tính đến xu hướng nghỉ dưỡng “dài ngày” cho các đối tượng khách này, vì họ thường là những tập khách có khả năng chi trả cao, có nhu cầu nghỉ dưỡng và mua sắm nhiều hơn là nhu cầu tham quan ở các điểm đến.
Một số ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 xảy ra, bên cạnh những tác động tiêu cực còn mang đến cơ hội cho du lịch Việt Nam như: đây là thời điểm để chúng ta cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, ưu tiên đón những thị trường khách cao cấp, có mức chi trả cao. Bởi, Việt Nam giàu tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và hạ tầng hiện nay hiện đại với những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu thế giới?
Trong nhiều diễn đàn du lịch, tôi đã nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học.
Bên cạnh bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng, bài học về liên kết và hợp tác trong khủng hoảng, bài học về xây dựng chương trình và sản phẩm du lịch, bài học về phát triển du lịch bền vững, thì bài học về cân bằng cơ cấu thị trường khách là bài học đầu tiên chúng ta cần tính tới.
Những bài học này cũng chính là những cơ hội để chúng ta “làm mới” và “sống động” lại ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch nội địa rõ ràng là hướng ưu tiên trong giai đoạn hiện nay khi tình hình dịch Covid-19 ở các nước còn phức tạp, dù trên thế giới đã có vắc xin phòng chống. Nhưng việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế lại là xu hướng và cuộc đua của các quốc gia trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Có một thời gian dài, chúng ta đã quá coi trọng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam (khách inbound) mà chưa dành sự quan tâm thấu đáo đến thị trường khách có khả năng chi trả cao.
Hậu quả, nguồn thu từ du lịch so với các quốc gia có số lượng khách tương đương còn thấp, tổ chức hệ thống lãnh tổ du lịch Việt Nam (từ bộ máy tổ chức, nhân sự, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn và môi trường…) không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách. Du lịch phát triển thiếu tính bền vững.
Với hiện trạng đại dịch Covid-19 hiện nay, trên cả góc độ phân tích dự báo lý thuyết và thực tiễn, thì việc mở cửa đón lại thị trường khách du lịch đại chúng sẽ cần rất nhiều thời gian.
Nhưng việc đón những thị trường khách cao cấp, có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài ngày là khả thi để chúng ta phát triển du lịch với quy mô “nhỏ mà vẫn đẹp”, “ít mà vẫn sang” ở những khu nghỉ dưỡng cao cấp - những nơi có thể tổ chức nhiều loại hình, dịch vụ du lịch với tính chất nhóm nhỏ, biệt lập, đảm bảo ở mức độ an toàn phòng chống dịch cao nhất.
Thời gian qua, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Có ý kiến cho rằng, nếu tận dụng tốt lợi thế này và có kế hoạch, quy trình đón khách du lịch quốc tế sớm thì chúng ta có thể vượt Thái Lan trong tương lai không xa. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Theo thống kế của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, ngành du lịch chứng kiến khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khi lượng khách quốc tế giảm 74% - tương đương với 1 tỷ lượt khách du lịch ít hơn năm 2019 do tâm lý lo sợ dịch bệnh và lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đưa du lịch quốc tế trên thế giới trở về ở thời điểm năm 1990. Cho đến nay, theo báo cáo số 9 mới ra gần đây nhất của UNWTO, tính đến ngày 01/02/2021 vẫn có 32% trên tổng số 217 điểm đến đóng cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế, số lượng các quốc gia chỉ đóng cửa một phần chiếm 34%, và chỉ có 2% đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19.
Như vậy, có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã thiết lập “một trật tự” thế giới mới về du lịch. Các nước gần như “bình đẳng” về việc chịu ảnh hưởng của Covid-19, dẫn đến lượng khách quốc tế vào (inbound) cũng tương tự như nhau.
Thái Lan vốn là một cường quốc thế giới về lượng khách quốc tế cũng như thu nhập từ du lịch, cho đến thời điểm này cũng chưa thể mở cửa đón khách quốc tế lại.
Với việc kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19 tốt, Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế nhìn nhận như là một “điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Việc lập kế hoạch chu đáo và quy trình đón khách du lịch quốc tế sớm tạo điều kiện cho Việt Nam “xuất phát” tốt. Nhưng “đường đua” du lịch quốc tế vốn dài, nhiều rào cản, đòi hỏi “nền tảng sức bền” tốt để có thể “bứt phá” và “tăng tốc” về đích.
Theo tôi, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ khó vươn lên bắt kịp và vượt qua được du lịch Thái Lan do du lịch Thái Lan có truyền thống, nền tảng tốt và ở một trình độ cao.
Khi chúng ta bứt phá 10, họ bứt phá 1-2 cũng tạo ra những khoảng cách lớn để chúng ta theo đuổi.
Có rất nhiều các điều kiện và vấn đề chúng ta sẽ phải tiến hành đồng bộ để xây dựng được một ngành du lịch chuyên nghiệp và hiệu quả như: Nền tảng văn hóa và tư duy nhận thức về du lịch, chính sách phát triển du lịch, nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, công nghệ du lịch...
Công tác truyền thông, quảng bá điểm đến, hình ảnh đất nước con người Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn có ý nghĩa như thế nào đối với việc thu hút du khách quốc tế ngay khi chúng ta mở của biên giới, thưa ông?
Truyền thông, quảng bá là cầu nối để khách du lịch biết đến và hiểu đúng về Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thì công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch quốc gia tới bạn bè quốc tế càng trở lên dễ dàng và thuận thiện.
Nhưng chính sự thuận tiện và dễ dàng này cũng tạo ra những sức ép rất lớn với những người làm công tác quản lý đến du lịch trong việc duy trì một hình ảnh điểm đến du lịch tích cực.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ban, ngành, địa phương, chúng ta đã làm tốt công tác phòng và chống đại dịch Covid-19.
Việc “mở cửa thông thương” sớm trở lại là một lợi thế cho đón đầu dòng khách du lịch quốc tế. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện được khi điều kiện phòng chống dịch được đảm bảo.
Để chuẩn bị cho việc “mở cửa thông thương” trở lại, thì một mặt, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy công tác này; Mặc khác, việc truyền thông cần phải được đầu tư một cách bài bản chuyên nghiệp hơn (cũng có nghĩa là đầu tư nhiều trí tuệ và nguồn kinh phí hơn) để hướng tới truyền thông ở trên nhiều các kênh, diễn đàn thông tin khác nhau, trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh thế giới đã xác định “sống chung với Covid” lâu dài, những xu hướng du lịch nào sẽ lên ngôi trong thời gian tới, thưa ông?
Đại dịch Covid – 19 đã làm cho du lịch thế giới năm 2020 trở về thời điểm xuất phát cách đây 30 năm về lượng du khách quốc tế. Năm 2021 vẫn là một năm mà du lịch thế giới chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Hơn lúc nào hết, nhu cầu du lịch của người dân các quốc gia trở nên “bức thiết” và do vậy việc lựa chọn địa điểm, phương thức và loại hình du lịch sẽ được du khách quan tâm nhiều.
Với bối cảnh “sống chung với Covid” trong “điều kiện bình thường mới” thì các xu hướng đã được đề cập đến từ năm 2020 chắc chắn sẽ còn được quan tâm trong thời gian dài.
Thứ nhất là xu hướng du lịch nội địa – du lịch về nhà và du lịch tại chỗ (staycation). Những chuyến tham quan du lịch gắn liền với nghỉ ngơi ngắn ngày ở trong nước – “về nhà” và tại “quê hương” - xung quanh khu vực du khách sinh sống.
Nếu như quê hương nơi mình sinh ra, có gia đình và bạn bè, thì “quê hương” trong chuyến du lịch “về nhà” sẽ là nơi khám phá những địa điểm du khách tưởng là quen nhưng còn chưa đi, để du khách lui tới mỗi khi muốn trở về, gặp gỡ những người mà sau đó du khách còn mong muốn gặp lại nhiều lần nữa.
“Quê hương” luôn là “nơi lý tưởng” để trở về. Xu hướng du lịch này do vậy có tính bền vững cao.
Thứ hai là xu hướng du lịch xanh gắn với những địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa, cho phép du khách thoát khỏi cuộc sống thực tại, được đắm mình vào thiên nhiên, tĩnh tại và cảm nhận dòng chảy của thời gian.
Những trải nghiệm “tắm rừng”, thiên nhiên và cuộc sống đời thường của cư dân bản địa mang đến những phút giây chậm rãi tuyệt vời.
Thứ ba là xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Các loại hình nghỉ dưỡng kết hợp thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu bằng khoáng chất, spa-thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực-thức ăn dinh dưỡng, ...cho phép du khách không chỉ phục hồi tái tạo sức lao động, mà còn giúp du khách thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất.
Đây cũng là xu hướng của những người coi trọng giá trị sức khỏe và tôn chỉ “sống chậm”.
Thứ tư là xu hướng du lịch thông minh và tiếp cận chuyển đổi số trong tiêu dùng du lịch. Du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển sáng tạo các công cụ kỹ thuật số mang đến sự tương tác kết nối cao và nhanh trong chuyển tải những nội dung, thông điệp, dịch vụ du lịch.
Du khách thông qua nền tảng số có nhu cầu “tự lựa chọn” cho mình những dịch vụ và loại hình du lịch “đơn lẻ” thay cho “trọn gói”. Xu hướng này phù hợp với giới trẻ do khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và đặc tính thích khám phá, trải nghiệm dịch vụ đơn lẻ.
Du lịch thông minh cho phép du khách tiếp cận đặt dịch vụ du lịch với phương thức hiện đại, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các loại hình du lịch truyền thống giúp du khách có được trải nghiệm với đầy đủ các giác quan của con người.
Thứ 5 là xu hướng “mở cửa” đón khách du lịch quốc tế với điều kiện đảm bảo xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19.
Việc xét nghiệm Covid-19 âm tính cũng như tiêm vaccine phòng Covid-19 trước chuyến đi là một trong những đảm bảo tất yếu để du lịch các nước có thể thông thương lại.
Các nước tiên phong trong xu hướng này sẽ có lợi thế về phát triển du lịch đón khách quốc tế đến (inbound), từ đó thúc đẩy phát triển không chỉ các du lịch mà còn các ngành kinh tế dịch vụ liên quan.
Ở Đông Nam Á hiện nay, Thái Lan là quốc gia đang có kế hoạch dự kiến “mở cửa” đón khách du lịch quốc tế vào ngày 1 tháng 7 năm 2021.
Ngoài ra còn có các xu thế khác liên quan du lịch nhóm nhỏ, du lịch gia đình; đặt dịch vụ muộn; du lịch trái mùa vụ...