Đề xuất tương tự cũng được nhiều nhà đầu tư đưa ra tại VBF giữa kỳ năm ngoái và nhiều lần trước đó. Cần nói thêm, dù đa phần dịch vụ ngân hàng không nằm trong cam kết mở cửa của Việt Nam, song Việt Nam đã cấp phép cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoạt động.
Tính đến nay, ngoài 9 ngân hàng 100% vốn ngoại được cấp phép, trên thị trường còn có 50 chi nhánh và 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. Nếu tính cả các ngân hàng nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) với ngân hàng nội hoặc thâu tóm công ty tài chính, thì sự hiện diện của khối ngoại ở thị trường ngân hàng Việt Nam là không nhỏ.
Năm 2019 vừa qua, lợi nhuận của nhiều ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Triển vọng kinh tế Việt Nam sáng sủa, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, thị trường tài chính - ngân hàng ổn định, cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn, dư địa phát triển lĩnh vực ngân hàng Việt Nam còn nhiều do tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng chưa cao… là những yếu tố khiến dòng vốn ngoại đang tìm cửa đổ vào lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.
Có thể thấy, sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài đã giúp thị trường cạnh tranh hơn, các ngân hàng trong nước cũng có thêm động lực cải cách, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, tiệm cận chuẩn mực quản trị, điều hành của thế giới. Bên cạnh đó, các ngân hàng ngoại đã tác động tích cực, giúp thị trường có thêm nhiều dòng sản phẩm mới, tiện ích mới, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy vậy, sự gia tăng hoạt động của ngân hàng ngoại tại Việt Nam cũng ẩn chứa một số rủi ro.
Trước hết, cho dù nỗi lo ngân hàng ngoại thao túng thị trường tiền tệ không xảy ra, bởi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có mặt ở Việt Nam hiện chưa lấn lướt ngân hàng nội địa, song ngân hàng ngoại có lợi thế về vốn và công nghệ, nên sự cạnh tranh nội - ngoại chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt.
Sau nữa, cũng như nhiều quốc gia khác mở cửa cho ngân hàng ngoại, cơ quan quản lý sẽ phải đối mặt với nỗi lo về những tiêu cực có thể xảy ra, đặc biệt là hiện tượng chuyển giá, rửa tiền, gian lận… Do các doanh nghiệp FDI hiện chủ yếu giao dịch với ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, nên việc quản lý dòng vốn vào - ra sẽ rất phức tạp.
Cuối cùng, nếu ngân hàng ngoại ngày càng mạnh và nắm giữ tỷ lệ lớn tại các ngân hàng trong nước, rất có thể những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế như giảm lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ… sẽ khó thực hiện.
Chính phủ đã đưa ra lộ trình mở cửa rất rõ ràng với ngành ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song quá trình này cần phù hợp với ưu tiên trong từng giai đoạn.
Thực tế cho thấy, sức khỏe hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ tốt như hiện nay khi một loạt ngân hàng trong nước đã đáp ứng được chuẩn Basel II. Dù vậy, hệ thống ngân hàng vẫn cần đẩy nhanh tái cơ cấu. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia thị trường Việt Nam.
Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, là lĩnh vực rất nhạy cảm. Chính vì vậy, mở cửa thị trường ngân hàng một cách thận trọng sẽ không chỉ đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ, mà còn đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.