SHB vừa nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 30%

SHB vừa nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 30%

"Mở cửa" mùa đại hội ngân hàng 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế thực sự bình thường trở lại từ ngày 15/3/2022 đã khiến các báo cáo trước thềm đại hội ngân hàng dầy thêm các kế hoạch tham vọng.

Ghế nóng thêm nóng

SHB đã chốt lịch tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào tháng 4 tới. Tại đại hội, Ngân hàng sẽ thực hiện bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026.

SHB hiện có 7 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Phạm Công Đoàn, bà Nguyễn Thị Hoạt và ông Trịnh Thanh Hải. Các thành viên Ban kiểm soát là ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm, bà Phạm Thị Bích Hồng.

Ông Đỗ Quang Hiển đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, đồng thời giữ vị trí tương đương tại Tập đoàn T&T. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), việc này là không được phép, nên ông Hiển sẽ phải đưa ra quyết định chọn một trong hai “ghế nóng”.

Cụ thể, Khoản 4, Điều 34, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác”.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018, nhưng người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước đó được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Hội đồng quản trị HDBank vừa có thông báo đến các cổ đông về tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, đề cử, bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027. Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của HDBank gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank là bà Lê Thị Băng Tâm đang đồng thời giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, nên sắp tới, bà Tâm sẽ phải chia tay một vị trí.

Một số ngân hàng muốn huy động thêm vốn ngoại là Sacombank, VPBank, OCB, Viet Capital Bank, Nam A Bank, SHB...

Không ít ngân hàng khác sẽ bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới như Sacombank, Eximbank...

Được biết, Hội đồng quản trị Sacombank hiện có 7 thành viên gồm ông Dương Công Minh (Chủ tịch), ông Phạm Văn Phong, ông Nguyễn Miên Tuấn, ông Nguyễn Xuân Vũ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (kiêm Tổng giám đốc), bà Lê Thị Hoa cùng ông Nguyễn Văn Huynh là hai thành viên độc lập. Ban kiểm soát có 4 thành viên gồm ông Trần Minh Triết, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Hà Tôn Trung Hạnh, ông Lê Văn Tòng.

Trước đó, nhiều doanh nhân đã đưa ra quyết định, hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp như ông Vũ Văn Tiền rời ghế Chủ tịch ABBank, chọn làm Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị SeABank để đảm nhận vị trí Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Võ Quốc Thắng rời ghế Chủ tịch Kienlongbank để đảm nhận chức vụ Chủ tịch Đồng Tâm Group; ông Đỗ Minh Phú rời ghế Chủ tịch Doji để đảm nhận chức vụ Chủ tịch TPBank; bà Thái Hương rời ghế Chủ tịch TH True Milk, chọn làm CEO BacABank.

Kỳ vọng có thêm vốn ngoại

Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác ngoại phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện số cổ phần đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sacombank đang xin cơ chế để mua lại 32,5% vốn cổ phần mà VAMC quản lý, sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, Ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá.

Sắp tới, nhiều doanh nhân đang đảm nhận vị trí lãnh đạo tại ngân hàng và doanh nghiệp khác sẽ phải đưa ra quyết định, hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp.

Tại VPBank, ngân hàng này đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Đối tác ngoại được đồn đoán là SMBC khi vừa đồng ý chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank và trước đó đã mua lại 49% vốn FE Credit (công ty con của VPBank) với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD. Theo lãnh đạo VPBank, thương vụ bán vốn cho nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2022.

Với Eximbank, SMBC tuyên bố chấm dứt hợp tác chiến lược, nhưng hiện vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 15% cổ phần. Về nhân sự cấp cao, sau hơn 3 năm tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên bất thành thì tại đại hội ngày 15/2/2022, nhân sự được bầu vào vị trí Chủ tịch là bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị duy nhất ở lại trong nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Tuy nhiên, câu chuyện “quyền lực” ở Eximbank đang nằm trong tay liên minh nhóm cổ đông nào vẫn chưa ngã ngũ. Có thông tin cho rằng, nhóm cổ đông lớn phía sau Eximbank là một doanh nghiệp bất động sản phía Nam và một ngân hàng.

Một số ngân hàng khác dự kiến sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là OCB bán 10%, Viet Capital Bank bán 5%, Nam A Bank bán 15 - 20%. SHB cũng muốn huy động thêm vốn ngoại khi nới room từ 10% lên 30% kể từ ngày 4/3/2022.

Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không sở hữu quá 20% vốn điều lệ. Vì thế, các ngân hàng nội đã và đang nới room để tìm kiếm đối tác ngoại và tăng vốn điều lệ.

Mới đây, các quỹ thành viên của Dragon Capital đã liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank và MB, trở thành cổ đông lớn của hai ngân hàng. Cụ thể, ngày 1/3/2022, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB thông qua các quỹ thành viên, nâng tỷ lệ sở hữu tại MB từ 4,99% lên 5%. Sau đó, nhóm cổ đông nước ngoài này thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%, trở lại cổ đông lớn sau gần 11 năm thoái vốn.

Trước đó, tháng 5/2021, các quỹ của Dragon Capital đã mua 3,15 triệu cổ phiếu VPBank, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5,12%, trở thành nhóm cổ đông lớn duy nhất.

Một trong các quỹ thuộc Dragon Capital là Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) đang là cổ đông lớn tại ACB với khối lượng sở hữu 149,56 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,92%.

Việc Dragon Capital đầu tư thêm vào các ngân hàng trong năm nay không quá bất ngờ khi Giám đốc chiến lược đầu tư của Quỹ là ông Lê Anh Tuấn từng nhận định, ngân hàng là một trong các nhóm ngành mà nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022.

Tin bài liên quan